Vì sao bà Trương Mỹ Lan có thể “rút ruột” hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB?
Người chắp nối bà Trương Mỹ Lan và cựu Cục trưởng Thanh tra ngân hàng II Các công ty thẩm định giá nào giúp sức Vạn Thịnh Phát 'bòn rút' SCB Vụ Vạn Thịnh Phát: Bí ẩn những thùng xốp chứa đầy USD |
Chuỗi thủ đoạn “rút ruột” hơn 1 triệu tỷ đồng
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị truy tố cùng lúc 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bà Trương Mỹ Lan đã “rút ruột” hơn 1 triệu tỷ đồng từ Ngân hàng SCB |
Đối với hành vi phạm tội tham ô tài sản, theo cáo trạng, mặc dù không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB nhưng do luôn nắm giữ Cổ phần chi phối (từ 85% đến 91,5% tổng số Cổ phần Ngân hàng SCB) nên Trương Mỹ Lan là người thực tế có “quyền lực” cổ đông chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của Ngân hàng SCB ngay từ khi hợp nhất 03 Ngân hàng tư nhân đến khi khởi tố vụ án; đồng thời bà Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và phần lớn các công ty trong hệ sinh thái.
Để tham ô tài sản, bà Lan đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn, như: Tuyển chọn, bố trí nhân sự là những người thân tín vào vị trí lãnh đạo chủ chốt Ngân hàng SCB để nắm quyền điều hành; thành lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty “ma”, thuê/nhờ các hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo...; tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức việc rút tiền của SCB.
Tiếp đó, câu kết với các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật các công ty có liên quan để tạo lập khoản vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của SCB; thông đồng, câu kết với các Công ty Thẩm định giá để cấp chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; không hoàn thiện thủ tục thế chấp, không đăng ký giao dịch bảo đảm để hoán đổi tài sản bảo đảm; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân; bán nợ xấu, cấn trừ nợ để giảm dư nợ tín dụng và tỷ lệ nợ xấu; mua chuộc cán bộ, lãnh đạo tại các cơ quan chức năng để bưng bít, che giấu thông tin sai phạm.
Vẫn theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB để huy động vốn, sau đó tổ chức, chỉ đạo Lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát triển khai việc thông đồng, câu kết, lập hồ sơ hợp thức hóa như các khoản vay để rút ra rất nhiều khoản tiền lớn, để bà Lan sử dụng vào các mục đích khác nhau. Vì đều là các khoản vay khống, do vậy khi đến hạn không trả được nợ, nên bà Lan cùng đồng phạm tiếp tục tạo ra các khoản vay khống khác, số tiền bà Lan rút ra sử dụng ngày càng nhiều dẫn đến hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Kết quả điều tra xác định: Trong giai đoạn từ ngày 01/01/2012 đến ngày 07/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản (gồm: 1.057 khoản khách hàng cá nhân và 1.470 khoản khách hàng tổ chức) với tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng.
Đến ngày 17/10/2022 còn 1.284 khoản vay (gồm: 440 cá nhân vay 512 khoản và 435 tổ chức cho vay 772 khoản), còn dư nợ 677.286 tỷ đồng (gồm 483.971 tỷ đồng nợ gốc và 193.315 tỷ đồng nợ lãi/phí, các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi; dư nợ gốc các khoản vay của Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của 23.042 khoản vay dư nợ tại Ngân hàng SCB.
Thành lập công ty “ma”, thuê tài khoản cá nhân để giải ngân
Để hợp thức việc rút tiền đã được Ngân hàng SCB giải ngân để sử dụng, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Ngân hàng SCB giải ngân vào tài khoản của các công ty “ma” thụ hưởng tiền theo phương án vay. Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Hồ Bửu Phương phối hợp với Nguyễn Phương Anh, Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luân (thuộc Văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP) lập phương án thực hiện việc “giải quỹ” bằng cách lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, sử dụng nhiều cá nhân mở tài khoản tại Ngân hàng SCB để ký rút tiền, nộp tiền, chuyển tiền lòng vòng vào tài khoản của công ty trong nhóm, cuối cùng chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của Trương Mỹ Lan.
Đối với trường hợp Ngân hàng SCB giải ngân vào tài khoản của các cá nhân được thuê đứng tên khoản vay hoặc đứng tên thụ hưởng tiền vay thì các cá nhân này sẽ đến Ngân hàng ký chứng từ rút tiền. Khi cần sử dụng ngay một số tiền mặt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo trực tiếp Nguyễn Phương Hồng hoặc Trần Thị Mỹ Dung chuẩn bị, đồng thời chỉ đạo Bùi Văn Dũng (lái xe của bà Lan) đến Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền.
Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo Thái Thị Thanh Thảo, nhận thông tin từ Nguyễn Phương Anh về tên pháp nhân, cá nhân nhận tiền, cá nhân rút tiền, lập phiếu chi và các thủ tục để hoàn tất nghiệp vụ rút tiền mặt; Nguyễn Phương Anh chỉ đạo các nhân viên kế toán lập các chứng từ rút tiền (Ủy nhiệm chi, Giấy rút tiền...) đồng thời hẹn các cá nhân đến Ngân hàng để ký chứng từ rút tiền; Thái Thị Thanh Thảo chỉ đạo Trần Thị Thúy Ái, Kiểm soát viên ngân quỹ Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn xuất tiền mặt khỏi quỹ để giao cho Bùi Văn Dũng vận chuyển tiền về nhà cho Trương Mỹ Lan tại Tòa nhà Sherwood tại 127 Pateur, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Từ ngày 26/02/2019 đến ngày 12/9/2022, theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, ông Dũng đã vận chuyển số tiền 108.878 tỷ đồng và 14.757.677 USD từ Ngân hàng SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc về Hầm B1, Tòa nhà Sherwood (127 Pasteur) hoặc giao, đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Số tiền trên, Lan sử dụng để trả nợ tiền mua các bất động sản; mua cổ phần các dự án và sử dụng vào các mục đích cá nhân khác.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng nêu rõ, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, xác định Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt số tiền hơn 304 ngàn tỷ đồng và gây thiệt hại số tiền hơn 129 nghìn tỷ đồng là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt.