“Đánh thức” khoáng sản quý khiến cả thế giới săn lùng: Tỉnh Lai Châu kiến nghị gì?
Ông Lê Văn Lương, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, đã đề xuất những kiến nghị quan trọng trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác của Bộ Công Thương ngày 23/8. Những kiến nghị này nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản, đặc biệt là đất hiếm, một loại khoáng sản được coi là "vitamin của nền công nghiệp hiện đại".
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương. Ảnh: Cấn Dũng |
Thứ nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn tiêu chí đánh giá về công nghệ trong khai thác, chế biến đất hiếm nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động khai thác, chế biến đất hiếm đến môi trường. Đây được coi là một khâu quan trọng, đảm bảo nguồn tài nguyên này được sử dụng một cách hiệu quả, mang lại lợi ích toàn diện cho cả cộng đồng địa phương và khu vực lân cận.
Thứ hai, xem xét, giải quyết kiến nghị của UBND tỉnh Lai Châu về thử nghiệm công nghệ chế biến đất hiếm mỏ Đông Pao của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Thứ ba, giới thiệu các đơn vị có đủ năng lực để liên kết, hợp tác thăm dò, khai thác và chế biến đất hiếm tại mỏ đã được quy hoạch.
Thứ tư, xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư số 26/2016/TT-BCT cho phù hợp với các quy định hiện hành về đầu tư, xây dựng.
Trước các kiến nghị của tỉnh Lai Châu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chế biến đất hiếm. Các quốc gia có công nghệ cũng chưa thật sự mong muốn chia sẻ, chuyển giao công nghệ. Trên thế giới, trong việc hợp tác để khai thác, chế biến đất hiếm, công nghệ chế biến đất hiếm được coi là yếu tố chủ chốt, mang lại ưu thế cho quốc gia.
“Do đó, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá công nghệ trong khai thác, chế biến đất hiếm”, đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện dự án đầu tư khai thác, chế biến đất hiếm, căn cứ thẩm quyền, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thẩm định, phê duyệt nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, trong đó có ý kiến đối với công nghệ sử dụng cho dự án để hạn chế, giảm tiêu cực của hoạt động khai thác, chế biến đất hiếm đến môi trường, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến phóng xạ. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn phóng xạ để kiểm soát ảnh hưởng của các yếu tố phóng xạ đến môi trường.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương cùng lãnh đạo tỉnh Lai Châu khảo sát tình hình triển khai Dự án khai thác đất hiếm tại Đông Pao (Xã Bản Hon, Huyện Tam Đường). Ảnh: Cấn Dũng |
Về nội dung giải quyết kiến nghị của UBND tỉnh Lai Châu về thử nghiệm công nghệ chế biến đất hiếm mỏ Đông Pao của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho hay vấn đề này, UBND tỉnh Lai Châu đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề xuất cho phép thực hiện thử nghiệm công nghệ, chế biến đất hiếm tại mỏ Đông Pao.
Dự án khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Đông Pao đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép khai thác từ năm 2014. Tuy nhiên theo hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy phép khai thác khoáng sản không có nội dung thử nghiệm công nghệ, chế biến đất hiếm.
"Bộ Công Thương ủng hộ việc thử nghiệm công nghệ, chế biến đất hiếm để có thể sớm đưa công nghệ chế biến đất hiếm vào thực tế sản xuất, giúp Việt Nam phát huy được ưu thế về tiềm năng quặng đất hiếm, kịp thời cung cấp nguyên liệu cho các ngành sản xuất công nghiệp trong nước, đặc biệt là công nghệ cao, sản xuất pin, ô tô điện...", đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cần lưu ý quặng đất hiếm phục vụ sản xuất thử nghiệm được khai thác hợp pháp phải có nguồn gốc từ mỏ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản được phép vận chuyển trong nước. Việc thử nghiệm đất hiếm phải phù hợp với dự án chế biến được duyệt, phương án vận chuyển quặng đất hiếm phải đáp ứng yêu cầu về hạ tầng giao thông, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, an toàn phóng xạ (nếu có) và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Vẫn theo đại diện Bộ Công Thương, trong thời gian gần đây, có nhiều doanh nghiệp, đối tác nước ngoài của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... quan tâm, nghiên cứu và bày tỏ quan điểm muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đất hiếm. Tuy nhiên đến nay, các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài vẫn chưa có đề xuất, hợp tác cụ thể và trao đổi với các doanh nghiệp thực hiện Dự án khai thác, chế biến khoáng sản đất hiếm tại Việt Nam. Do đó, Bộ Công Thương chưa có cơ sở để báo cáo cấp có thẩm quyền về các vấn đề nêu trên.
Nhưng với mong muốn được hợp tác với các đối tác nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến đất hiếm, trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp, đối tác, Bộ Công Thương sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc hợp tác để sớm đạt được sự thống nhất và hợp tác toàn diện, đạt hiệu quả cao để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam hướng đến mục tiêu khai thác và chế biến được các sản phẩm ôxyt đất hiếm riêng rẽ và một số kim loại đất hiếm.
Cuối cùng, đại diện Bộ cho hay hiện nội dung Thông tư số 26/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ quy định nội dung lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng và dự toán xây dựng công trình mỏ khoáng sản theo quy định của Luật Xây dựng và các Nghị định hướng dẫn, phù hợp với tính đặc thù của ngành khai thác mỏ khoáng sản.
Nội dung Thông tư quy định đối với 2 loại dự án: Dự án khai thác mỏ khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên và Dự án mỏ khoáng sản khai thác bằng phương pháp hầm lò. Hiện nay, về cơ bản, các quy định về thẩm quyền thẩm định, quy trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở công trình khai thác mỏ khoáng sản đã được quy định tại Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
“Tiếp thu ý kiến của UBND tỉnh Lai Châu, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, nghiên cứu điều chỉnh trong quá trình điều chỉnh Thông tư 26/2016/TT-BCT để hướng dẫn chi tiết, phù hợp với các quy định hiện hành về đầu tư, xây dựng”, đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Lai Châu là tỉnh có tiềm năng đất hiếm, đã ghi nhận 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm. Tổng diện tích mỏ là 2.779,4 ha với tổng trữ lượng tính được khoảng 21 triệu tấn. Trong đó, khu vực mỏ đất hiếm Đông Pao huyện Tam Đường (2 khu vực mỏ là mỏ đất hiếm Đông Pao và mỏ đất hiếm Nam Đông Pao, có tổng diện tích khoảng 1.373 ha); Mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, huyện Phong Thổ; Mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe, huyện Phong Thổ và Mỏ đất hiếm Thèn Thầu, huyện Phong Thổ. Hiện tại đã hoàn thành thăm dò mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe, huyện Phong Thổ. Cấp thăm dò mới trong giai đoạn 2021-2030 các mỏ: Nam Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường), Khu 3 - Nam mỏ Đông Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) và mỏ Thèn Sin (huyện Tam Đường). Cấp thăm dò trong giai đoạn 2031-2050 đối với mỏ Thèn Thầu (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ). Đồng thời tiếp tục khai thác mỏ đã cấp gồm Đông Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường). Tỉnh cũng đã quy hoạch chế biến 5 nhà máy chế biến đất hiếm. |