SGI - Tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất nam châm đất hiếm tìm kiếm gì tại Lai Châu?
Mong muốn được ông Kong Koon Seung – Tổng Giám đốc Tập đoàn Star Group Industries Hàn Quốc (Tập đoàn SGI) – nêu ra tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lai Châu ngày 23/8.
Theo ông Kong Koon Seung, SGI là Tập đoàn có công nghệ tiên tiến nhất trong việc sản xuất nam châm vĩnh cửu đất hiếm. Tập đoàn SGI đang tiến hành xây dựng nhà máy xản xuất nam châm vĩnh cửu tại Quảng Nam. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 17ha, với tổng số vốn khoảng 100 triệu USD. Dự kiến nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7/2024. Tuy nhiên khó khăn là nhà máy đang chưa có được đủ nguồn cung cấp nguyên liệu đất hiếm.
“Tôi được biết Lai Châu là tỉnh có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có đất hiếm”, ông Kong Koon Seung gợi mở.
Ông Kong Koon Seung - Tổng Giám đốc Tập đoàn SGI. Ảnh: Cấn Dũng |
Tổng Giám đốc SGI cho biết, hiện đang phối hợp cùng một số đối tác để thực hiện các dự án khai thác đất hiếm tại Lai Châu trong thời gian tới.
“Chúng tôi có mặt ở đây để chia sẻ với quý vị kế hoạch khai thác thí điểm và mass production (sản xuất hàng loạt) đất hiếm tại Việt Nam. Hiện nay chúng tôi đang có ngân sách khoảng 4 triệu USD để triển khai dự án thí điểm. Khi đi vào triển khai mass production sẽ cần nhiều nguồn vốn hơn nữa”, ông Kong Koon Seung cho biết.
Ông Kong Koon Seung tự tin tất cả các dự án thí điểm lẫn các dự án mass production tại Việt Nam chắc chắn sẽ thành công, bởi SGI có nguồn vốn, sở hữu công nghệ và có thị trường.
“Nếu tỉnh Lai Châu phối hợp chúng tôi trong việc đảm bảo nguồn cung thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong tương lai”, ông Kong Koon Seung khẳng định.
Theo giới phân tích, việc SGI mong muốn hợp tác với tỉnh Lai Châu để sản xuất nam châm đất hiếm quy mô lớn, là một cơ hội hợp tác có giá trị trong lĩnh vực khai thác và chế biến đất hiếm. Điều này có thể mang lại lợi ích kinh tế và công nghệ quan trọng cho cả Hàn Quốc và Việt Nam.
CEO SGI Kong Koon Seung trao quà ủng hộ quỹ an sinh xã hội Lai Châu. Ảnh: Cấn Dũng |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương cho biết: Lai Châu là tỉnh có tiềm năng đất hiếm, đã ghi nhận 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm. Tổng diện tích mỏ là 2.779,4 ha với tổng trữ lượng tính được khoảng 21 triệu tấn.
Trong đó, khu vực mỏ đất hiếm Đông Pao huyện Tam Đường (2 khu vực mỏ là mỏ đất hiếm Đông Pao và mỏ đất hiếm Nam Đông Pao, có tổng diện tích khoảng 1.373 ha); Mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, huyện Phong Thổ; Mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe, huyện Phong Thổ và Mỏ đất hiếm Thèn Thầu, huyện Phong Thổ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương. Ảnh: Cấn Dũng |
Hiện tại đã hoàn thành thăm dò mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe, huyện Phong Thổ. Cấp thăm dò mới trong giai đoạn 2021-2030 các mỏ: Nam Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường), Khu 3 - Nam mỏ Đông Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) và mỏ Thèn Sin (huyện Tam Đường). Cấp thăm dò trong giai đoạn 2031-2050 đối với mỏ Thèn Thầu (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ).
Đồng thời tiếp tục khai thác mỏ đã cấp gồm Đông Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường).
Tỉnh cũng đã quy hoạch chế biến 5 nhà máy chế biến đất hiếm.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có hướng dẫn tiêu chí đánh giá về công nghệ trong khai thác, chế biến đất hiếm nhằm đảm bảo nguồn tài nguyên này được sử dụng một cách hiệu quả, mang lại lợi ích toàn diện cho cả cộng đồng địa phương và khu vực lân cận.
Ngày 23/4, truyền thông quốc tế đưa tin, Star Group Industrial của Hàn Quốc và Baotou INST Magnet của Trung Quốc đang lên kế hoạch dịch chuyển dây chuyền sản xuất nam châm và đất hiếm từ Trung Quốc sang nước khác để tránh các hạn chế về thương mại đang gia tăng. Nam châm và đất hiếm là thành phần quan trọng trong việc sản xuất các sản phẩm như ô tô điện, tua bin gió, vũ khí và điện thoại thông minh, khiến cho ngành sản xuất này trở thành quan trọng về mặt chiến lược. Việt Nam được biết đến nà quốc giá có trữ lượng đất hiếm chưa được khai thác lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam có kế hoạch mở rộng việc sản xuất đất hiếm với mục tiêu tăng sản lượng khai thác lên 2 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ thì Việt Nam đang sở hữu trữ lượng dự trữ đất hiếm trị giá khoảng 3.000 tỷ USD. Trong khi, Bộ năng lượng Mỹ ước tính rằng công suất tinh chế đất hiếm mà Việt Nam đang nhắm tới vào cuối thập niên này sẽ chiếm 3% thị phần toàn cầu. |