Người dân ''đổ xô'' mua vàng: Chuyên gia cảnh báo tiềm ẩn rủi ro
Giá vàng "nhảy múa" tuần qua, người mua vàng lãi hay lỗ? Vàng giảm giá hơn 16 triệu đồng/lượng, người dân có nên mua? |
Rủi ro tiềm ẩn nếu đầu cơ, tích trữ
Theo ghi nhận, sáng 11/6, tại nhiều điểm bán vàng thuộc các Ngân hàng thương mại như tại chi nhánh Vietcombank ở Láng Hạ, Đống Đa, hay tại chi nhánh Agribank Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội đều xảy ra tình trạng "tắc nghẽn" vì người đến xếp hàng mua vàng quá đông.
Đáng nói, nhiều người dân xếp hàng chờ mua vàng đến từ các tỉnh lân cận Hà Nội như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam… Song, việc ngân hàng chỉ bán giới hạn, mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 2 lượng vàng... đã khiến nhiều người thất vọng... ra về.
Theo một số người dân chia sẻ, thấy vàng "rớt sâu" nên họ mua để tiết kiệm với hy vọng giá vàng thế giới sẽ tiếp tục lên và vàng trong nước cũng sẽ tăng.
Tính đến 9h ngày 11/6, giá vàng miếng SJC không đổi so với kết phiên giao dịch hôm qua, ở mức 76,98 triệu đồng/lượng (bán ra). Lúc 8h30' hôm nay (ngày 11/6, giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.308,6 USD/ounce, tăng 5,5 USD/ounce so với đêm qua.
Trước tình trạng vàng giảm, nhu cầu mua vàng sẽ rất lớn, song, các chuyên gia cảnh báo, người dân nên thận trọng khi mua vàng vì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Người dân xếp hàng mua vàng tại một điểm bán vàng thuộc các ngân hàng thương mại nhà nước. Ảnh: Nhật Minh |
Chia sẻ về vấn đề này, theo TS.Trương Văn Phước - Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước bán vàng cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC phần nào kiềm tỏa được đà tăng giá của kim loại quý. Đây là nỗ lực của cơ quan điều hành việc giảm chênh lệch giá vàng Việt Nam so với thế giới.
Với góc nhìn của biến động thị trường, TS.Trương Văn Phước cho rằng, lúc này người dân cần hết sức thận trọng, nên mua ít, nếu mua nhiều mà giá xuống nhiều thì chúng ta phải gánh những khoản lỗ do chính công sức chúng ta tạo ra.
"Trong bối cảnh hiện nay, nếu người dân mua một lượng lớn vàng để đầu cơ, tích trữ thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro" - TS.Trương Văn Phước nói.
Bởi theo chuyên gia này, giá vàng hiện nay phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chỉ cần một động thái từ việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngừng mua vàng dự trữ, giá vàng một đêm có thể giảm từ 80-100 USD. Thị trường cũng tiềm ẩn nhiều biến số khác từ nền kinh tế Mỹ, châu Âu.
"Người dân cần thận trọng, dĩ nhiên tài sản là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán nhưng nên thận trọng", TS.Trương Văn Phước nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh, khi đầu tư vàng, giá vàng tăng lên nhà đầu tư mới có lời. Nếu giá giữ nguyên hoặc giảm đi, một chỉ vàng sau 5-10 năm nữa vẫn là một chỉ vàng.
Do đó, theo chuyên gia, trong bối cảnh có nhiều kênh đầu tư kiếm lời, người dân cần phải cân nhắc kỹ. Với những người không quá dư giả, kênh đầu tư phù hợp nhất vẫn là gửi tiết kiệm.
"Nếu vẫn chưa có đủ kiến thức để đầu tư chứng khoán hay không có đủ tiền để đầu tư bất động sản, vẫn nên gửi tiết kiệm. Gom 1, 2 cây vàng để khi gia đình có công có việc hoặc tổ chức cưới con cháu thì được, còn bảo mua vàng để chờ lên giá bán đi thì tôi nghĩ 1 cây mức lời cũng khiêm tốn", PGS. TS Mùi phân tích.
Từ góc độ cơ quan điều hành, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, sức hấp dẫn của vàng cùng nhu cầu dự trữ vàng trong dân lớn. Do đó, cần nghiên cứu khai thác nguồn lực vàng vào sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tình trạng đô la hóa, vàng hóa vẫn tồn tại trong nền kinh tế, cần thời gian để xử lý.
Song song đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24, mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, đến tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán; không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới; không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế, không tác động tâm lý xã hội.
Xây dựng các chính sách thuế đối với vàng
Về giải pháp khắc phục những dấu hiệu bất ổn trong thị trường vàng hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.
Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
Bên cạnh đó việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
Các chuyên gia đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Ảnh minh họa |
Còn TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.
TS.Trương Văn Phước cũng cho rằng, việc hạn chế vàng cũng là cần thiết, đáp ứng có giới hạn, đáp ứng quyền tự do tiếp cận vàng nhưng cũng cần phải tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế.
Thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ Nhà nước nào. Bất động sản hay vàng hay bất kỳ nguồn thu nào khác.
“Dĩ nhiên cũng có nhiều quan điểm trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ như thế. Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng”, ông Phước nói.