Ngân hàng đối mặt với sự 'khan hiếm' của dòng vốn rẻ
Ngân hàng Nhà nước trình phê duyệt 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt Ngân hàng tăng tốc chặng đua giảm lãi suất tiết kiệm |
Với lãi suất gần như bằng 0, tiền gửi thanh toán hay tiền gửi không kỳ hạn (CASA) luôn là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn bởi nó tạo ra nguồn vốn giá rẻ, giúp ngân hàng tiết giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh doanh.
Tuy vậy, dòng vốn rẻ này đang có xu hướng ngày một "khan hiếm", gây áp lực không nhỏ lên các ngân hàng, nhất là trong bối cảnh lãi suất cho vay liên tục điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Vietcombank, Hà Nội. |
Vốn rẻ suy giảm
Vài năm trở lại đây, nhiều ngân hàng đã đầu tư nguồn lực lớn cho chuyển đổi số, nâng cấp công nghệ, gia tăng trải nghiệm nhằm thu hút khách hàng. Chưa kể, các ngân hàng còn "đua" miễn phí hàng loạt các giao dịch trên kênh ngân hàng số với mục đích giữ chân nguồn tiền vãng lai, tiền gửi thanh toán. Tỷ lệ CASA vì thế cũng từng có lúc đạt tới trên 40%, thậm chí là 50% tổng tiền gửi tại một số ngân hàng.
Tuy vậy, cuộc đua CASA dường như đã qua mức đỉnh và đang dần hụt hơi. Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 vừa qua phản ánh sự sụt giảm mạnh của dòng tiền gửi không kỳ hạn tại 27/28 ngân hàng niêm yết và đây không phải quý đầu tiên CASA suy giảm.
Từng ghi dấu kỷ lục với tỷ lệ CASA đạt hơn 50% tổng tiền gửi hồi đầu năm 2022, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa chứng kiến quý thứ 4 liên tiếp tỷ lệ này đi xuống. Tính đến hết quý I/2023, tỷ lệ CASA tại Techcombank chỉ còn 32%, giảm 5 điểm % so với đầu năm 2023 và giảm tới 18 điểm % so với mức kỷ lục của năm 2022. Số dư tiền gửi không kỳ hạn mà Techcombank nắm giữ đến cuối tháng 3 chỉ còn 124.000 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm 2023.
Liên tục sụt giảm như vậy khiến ngôi đầu về CASA đã tuột khỏi tay Techcombank, thay vào đó là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) kể từ cuối năm 2022 đến nay. Báo cáo tài chính quý I/2023 của MB cho thấy tỷ lệ CASA đang ở mức 35,5% với số dư hơn 160.800 tỷ đồng. Tuy đứng đầu về tỷ lệ CASA nhưng MB cũng không tránh khỏi xu hướng suy giảm chung. Tỷ lệ CASA trên đã giảm hơn 5 điểm % và số dư tuyệt đối giảm 10,7% so với đầu năm 2023.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), dù vẫn dẫn đầu toàn hệ thống về số dư CASA với hơn 387.700 tỷ đồng nhưng tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi tại ngân hàng này đã giảm từ mức 33,9% hồi đầu năm xuống còn 30,4% khi kết thúc quý I, đứng sau MB và Techcombank.
Xét về tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi, top đầu ngoài 3 ngân hàng trên còn có Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với 21,2%; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với 19,7%; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) 17,54%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 17,04%; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 15,85%... So với đầu năm, tỷ lệ này giảm từ 2 đến 10 điểm % tùy mức độ từng ngân hàng.
Trong khi đó, nếu xét về số dư tuyệt đối các ngân hàng đang nắm giữ nhiều nhất, ngoài Vietcombank, MB và Techcombank, còn có BIDV nắm giữ 237.300 tỷ đồng; VietinBank với 223.130 tỷ đồng; ACB với 83.350 tỷ đồng; Sacombank 81.580 tỷ đồng... Số dư trên cũng đều giảm từ khoảng 4 - 11% so với hồi đầu năm.
Tính chung 28 ngân hàng niêm yết đang nắm giữ hơn 1,5 triệu tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, giảm gần 11% so với đầu năm. Trong quý qua, chỉ có duy nhất 1 ngân hàng ghi nhận số liệu tăng trưởng dương về CASA là Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) với mức tăng 12,37% so với đầu năm, đưa số dư tiền gửi không kỳ hạn lên hơn 2.300 tỷ đồng.
Theo một lãnh đạo ngân hàng, do bối cảnh kinh tế khó khăn, cơ hội đầu tư ít đi, trong khi đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ cuối năm 2022 đến đầu quý I/2023 lại tăng cao khiến khách hàng có xu hướng chuyển tiền từ tài khoản vãng lai vào tiền gửi có kỳ hạn để hưởng các mức lãi suất cao này.
Áp lực chi phí gia tăng
CASA vẫn được coi là "cứu cánh" giúp ngân hàng giảm bớt phần nào áp lực chi phí vốn đầu vào cũng như chi phí hoạt động nói chung. Bởi vậy, tỷ lệ CASA càng cao sẽ càng tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho ngân hàng.
Nhưng xét bối cảnh hiện nay, CASA liên tục sụt giảm, lãi suất huy động lại tăng cao từ cuối năm 2022 đến nay trong khi lãi suất cho vay không thể tăng nhằm mục đích giữ ổn định hoặc phấn đấu hạ xuống để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. "Điều này đẩy áp lực chi phí huy động vốn gia tăng, vốn đầu vào trở nên đắt đỏ hơn khiến biên lãi thuần giảm sút, tốc độ tăng lợi nhuận ngân hàng chậm lại", một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.
Các ngân hàng kỳ vọng CASA sẽ sớm tăng trưởng trở lại trong thời gian tới, gia tăng sức cạnh tranh của ngân hàng, tạo điều kiện góp phần giảm lãi vay trong thời gian tới.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho rằng, việc đầu tư công nghệ, phát triển ứng dụng di động cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của ngân hàng này đang mang lại những kết quả ấn tượng, đi kèm đó là sự phục hồi của nền kinh tế, mặt bằng lãi suất, thanh khoản ổn định sẽ giúp CASA tại Techcombank sớm quay lại trạng thái như trước.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá tỷ trọng CASA của toàn hệ thống hiện còn nhiều dư địa để mở rộng. Do đó, cuộc đua thu hút dòng vốn giá rẻ này vẫn sẽ sôi động trong thời gian tới. Ngân hàng nào càng chuyển đổi số mạnh mẽ, càng mang lại nhiều trải nghiệm hài lòng người dùng sẽ càng có lợi thế.
Dù vậy, ông Thịnh cũng cho rằng để nâng tỷ lệ CASA không phải là một bài toán dễ khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đang có dấu hiệu ấm dần lên.
Dự báo về CASA thời gian tới, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng, tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn vẫn ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 và sẽ được cải thiện hơn khi lãi suất huy động dần hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay.
Trong khi đó, dựa theo các phân tích dữ liệu, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI dự báo tỷ lệ CASA bị ảnh hưởng chỉ là trong ngắn hạn và sẽ sớm hồi phục trong thời gian tới.