Nét đẹp văn hóa trong lễ chùa đầu năm của người Việt
Theo quan niệm, lễ chùa đầu năm sẽ giúp chúng ta rũ bỏ những muộn phiền lo toan của năm cũ để hân hoan đón nhận cái mới trong ngày đầu năm.
Bỏ cái cũ đón nhận cái mới
Trong tâm thức người Việt từ bao đời nay, Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài tục lệ cúng gia tiên, người dân thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Theo đó, ngay sau giờ phút đón giao thừa, thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới, rất nhiều gia đình tổ chức đến chùa thắp hương đầu năm mới để cầu an, cầu tài, cầu lộc. Lúc này, khung cảnh tĩnh mịch, thanh đạm của các ngôi chùa bỗng trở nên đông đúc, chùa rực sáng ánh đèn, nến, vào sâu bên trong, hương khói nghi ngút tỏa ra từ các ban thờ.
Ngày đầu xuân đi lễ chùa được dân gian quan niệm mang lại may mắn |
Chuyên gia văn hóa Th.S Nguyễn Ngọc Diệp, Giảng viên trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cho biết, người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, thiên nhiên, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi cửa Phật, hòa vào dòng người đi lễ đầu năm, giữa không gian thanh tịnh, bất kì ai cũng cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân, sự thành tâm trong lòng mỗi người. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình đến lạ.
“Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có những người đi lễ chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Nhưng nhìn chung, khi đến cửa Phật, cửa Thánh, hòa vào dòng người hành lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản”, Th.S Nguyễn Ngọc Diệp cho biết thêm.
Theo Th.S Lê Ngọc Diệp, ngày nay người dân Việt Nam đi chùa còn để xin chữ đầu năm hay những câu đối có ý nghĩa để đem về nhà treo ở nơi trang trọng nhất, cầu nguyện thành đạt cho cuộc sống và học hành thi cử cho con cái. Đặc biệt, tiếng chuông chùa ngân vang giữa đất trời, khói nhang quyện tỏa, màu sắc đèn hoa và những nụ cười nơi cửa Phật... tất cả đã tạo nên không khí yên bình, tâm hồn thanh tịnh.
Giữ thói quen đi lễ chùa ngay khi giao thừa, chị Võ Thúy An, ngụ ở TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh)- cho biết, năm nào cũng vậy, sau khi hoàn tất nghi lễ cúng giao thừa, cúng thần linh, tại gia đình, việc làm đầu tiên trong năm mới của gia đình chị là phải đến cửa chùa làm lễ. Đây là dịp để chị cũng như người thân của mình mong tìm được sự thanh tịnh và hướng những việc cần phải làm cho năm mới.
“Nhiều người cũng quan niệm đi lễ chùa ngay sau thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ giúp gia đình có được sự an lạc, cả năm may mắn. Tôi muốn các con, các cháu biết được điều này, để chúng biết trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, chị Võ Thúy An chia sẻ.
Định hướng cho bản thân sắp tới
Năm nào gia đình anh Nguyễn Văn Hải, ngụ ở quận 10 (TP. Hồ Chí Minh) cũng cùng các con đi lễ chùa đầu năm mới để cầu mong sang năm mới gia đình được bình an, mọi công việc được thuận lợi. Anh Nguyễn Văn Hải cho biết, trong những ngày Tết Nguyên đán, ngay sau giao thừa, cả gia đình tôi cùng nhau đi lễ chùa. Việc làm này khiến tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, an lạc và bình an, thư thái sau một năm làm việc vất vả với nhiều bộn bề, lo toan trong cuộc sống. “Đầu năm đi lễ chùa là thời khắc để tôi kiểm điểm lại bản thân, bình tâm nhìn lại một năm đã qua và định hướng cho bản thân trong năm tới”- anh Hải nói.
Còn đối với các bạn trẻ, đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà còn là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc. Em Lê Thị Mai, ngụ ở quận TP. Biên Hòa (Đồng Nai)- cho hay, mỗi dịp Tết đến, sau thời khắc giao thừa linh thiêng, em và các anh chị em trong gia đình thường đi lễ chùa, trước là để vãn cảnh, sau là cầu mong cho bản thân, gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thuận hòa, mọi sự được hanh thông.
Tương tự, bạn Ngô Thúy Hằng, sinh viên năm hai trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho biết, khi được hòa mình vào không gian linh thiêng nơi cửa phật, tôi tìm được những phút thư thái cho tâm hồn sau một năm học hành vất vả. Từ đó, còn giúp tôi hiểu biết thêm về nét văn hóa truyền thống của dân tộc và thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nét đẹp ấy trong đời sau.
Theo các chuyên gia văn hóa, hiện nay đối với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, mới thấy lòng mình lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.
Chuyên gia văn hóa Lê Ngọc Hiếu: Trong tâm thức của người Việt Nam từ bao đời nay, Tết không chỉ mang ý nghĩa tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới mà còn mang đậm tính tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài phong tục thờ cúng tổ tiên, người dân thường đi lễ chùa để cầu may mắn, bình an cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Đây được xem là một trong những nét đẹp văn hóa mà dân gian đã gìn giữ và lưu truyền trong suốt ngàn năm qua của người Việt. |