Rải tiền nơi cửa Phật: Xin đừng ép thần linh nhận "hối lộ"
Phát hành đặc biệt bộ tem Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương Bảo tồn nét đẹp văn hóa Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Để không còn những vụ việc lùm xùm như vừa xảy đến tại chùa Ba Vàng |
Tháng Giêng, tháng của năm mới, của những ngày hội, ngày lễ, thời điểm mà các du khách tứ phương sẽ tìm đến những nơi thờ tự linh thiêng như đền, chùa, miếu thờ… với quan điểm đầu năm đi lễ lấy may, cầu mong một năm mới an lành, hoan hỉ, sung túc đủ đầy.
Chốn thờ tự vốn là nơi để con người tìm đến sự an yên trong tâm hồn, để gột rửa những xô bồ hối hả của cuộc sống thường nhật. Ấy vậy, những năm trở lại đây, khi du lịch tín ngưỡng tâm linh “lên ngôi” lượng khách tới chùa ngày càng đông, những nơi linh thiêng, tôn nghiêm như thế bỗng không đẹp chỉ bởi hành động rải tiền khắp chốn của du khách.
Không kể đến những hòm công đức, từ thiện của nơi thờ tự, ngay từ cổng chính bước vào từ ban thờ, bát hương, trên các mâm lễ, bình hoa, cánh cửa, …đâu đâu cũng thấy những tờ tiền lẻ với đủ các mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng rải rác khắp mọi nơi.
Tiền lẻ với đủ các mệnh giá được đặt, rải la liệt khắp mọi nơi từ ban, bệ thờ, bát hương, mâm cúng, cánh cửa, bình hoa... tại những nơi thờ tự linh thiêng. Ảnh minh họa |
Chẳng biết từ bao giờ, quan niệm đi lễ là phải có đi kèm “tiền lẻ”, bất kể là lễ hành hương, giọt dầu nén nhang hay lễ mâm cao cỗ đầy cúng mặn cúng ngọt. Điều này như “ăn sâu bén rễ” vào suy nghĩ không ít người dân, khiến họ cho rằng, lễ bằng tiền rồi miệng bẩm “cho con xin lộc rơi lộc vãi”, thì sẽ được lợi lộc vào mình.
Thậm chí có người còn rải tiền không để thiếu ở bất kể ban, bệ thờ nào, bởi họ tin rằng việc làm của họ là đúng đắn, nếu họ làm đủ như vậy sẽ nhanh chóng mang lại sự êm ấm, giàu sang sung túc cho gia đình, còn làm không đủ thì có thể mọi sự sẽ không được như ý nguyện.
Rồi quan niệm trần sao thì âm vậy. Ở “trần” việc gì cũng cần đến tiền, có tiền sẽ giải quyết nhanh chóng nên do đó với nhiều người nếu lễ mà không có tiền thì những lời cầu nguyện ước mong khó mà được phù hộ, vậy nên họ cũng chẳng tiếc việc đổi thật nhiều tiền lẻ chỉ để sử dụng mỗi dịp đến các nơi thờ tự.
Chẳng biết rằng mong cầu có được thần linh chứng giám hay không, cũng chẳng biết những người đi lễ ấy có vẹn tròn ước mong, được giàu sang phú quý, đủ đầy hay không nhưng tất thảy những hiện tượng, hành động như trên đã vô tình tạo nên hình ảnh không hề đẹp đối với chốn tâm linh nơi cửa Phật, hay đúng hơn là biểu hiện của sự suy thoái về tín ngưỡng của người dân thời bây giờ.
Thiết nghĩ, chẳng có một tín ngưỡng, một đạo giáo nào trên thế giới này lại dạy bảo chúng sinh rằng bắt buộc phải đi lễ, mà đã lễ là phải rải tiền thì mới cầu được ước thấy, công thành doanh toại.
Trước khi mong cầu để được Thần Phật chứng giám có lẽ chúng ta cần tỏ rõ một điều “Phật tại tâm”, nghiệp quả đến từ việc thiện chứ không phải là ở sự mê tín. Cái cốt của đi lễ chùa là tâm tịnh lòng an, là ý thức ngay từ việc nhỏ nhất, đi nhẹ, nói khẽ cười duyên, ăn mặc sao cho đúng đắn, lịch sự, chứ không cần là mâm cao cỗ đầy, rải tiền vung vãi khắp nơi, hóa nhiều vàng mã mới chứng tỏ lòng thành.
>>> Quan điểm của bạn thế nào về vấn đề này? Chia sẻ ý kiến hoặc bài viết ở bình luận bên dưới. Những ý kiến hay, được đăng tải sẽ hưởng chế độ nhuận bút theo quy định!