Hành lễ đầu năm: Hãy giữ nét đẹp truyền thống!
“Mùng Ba tết Thầy” - Nét đẹp truyền thống Việt Nét đẹp truyền thống của phụ nữ ngành Công Thương |
Từ xưa, đi lễ, vãn cảnh chùa đầu năm mới đã trở thành một nét văn hoá truyền thống tốt đẹp. Mỗi người đi lễ chùa đều với những mục đích khác nhau nhưng tựu chung để cầu bình an, tài lộc.
Nhiều người quan niệm tới nơi cửa Phật để được thả mình vào không gian thanh tịnh, yên bình khiến lòng an yên, thanh thản hơn. Đa phần mọi người đi chùa vào các ngày lễ, Tết, ngày đầu năm mới, ngày Rằm, mùng Một hàng tháng những mong cầu cho bản thân và gia đình bình an, dồi dào sức khoẻ, mong cho đường học tập của con cái thuận lợi, thăng tiến hay mong cầu làm ăn, buôn bán được phát đạt, hanh thông.
Đi lễ, vãn cảnh chùa đầu năm mới đã trở thành một nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của người Việt |
Ngoài việc đem lại giá trị chuyển hoá lớn trong đời sống tinh thần, nơi cửa Phật còn đem lại giá trị giáo dục. Nhiều người cho rằng chùa là một nơi lý tưởng nhất để học giáo pháp, củng cố đạo đức hướng con người ta đến những điều thiện lành, tốt đẹp.
Cũng có trường hợp tìm đến Phật khi gặp trắc trở trong cuộc sống hoặc rơi vào trạng thái bế tắc, khủng hoảng, không thể tự tâm giải quyết suôn sẻ. Đi chùa như một cách để trấn an bản thân, cũng có khi giúp tìm được ra cách giải quyết những khó khăn ở thời điểm hiện tại.
Một bộ phận phật tử bày tỏ quan điểm họ đến với nơi cửa Phật để được học những giáo lý, để hiểu được các đạo lý Nhân - Quả giúp họ hướng đến những điều tốt đẹp, mục đích sống hướng thiện. Cũng có nhiều phật tử lựa chọn đi chùa để tu - họ rời bỏ cuộc sống hiện tại để trở thành người xuất gia, gia nhập vào Tăng đoàn tập trung việc tu tập đạo Phật với mục đích được giải thoát.
Nhưng những năm gần đây việc đi lễ chùa đầu năm có nhiều biến tướng, lắm khi còn phản văn hóa. Nhiều người mang cả cái “tục tâm” vào chùa, đặt tiền thật, tiền giả lên bàn tam bảo, đặt tiền lễ vào tay tượng, lòng tượng, rồi nhiều người lại thản nhiên hóa vàng ngay trong khuôn viên của chùa.
Vào chùa lễ Phật cốt yếu là để đi tìm sự an nhiên trong tâm thái, song nhiều người đến lễ chùa lại chủ yếu là cầu xin phúc lợi cá nhân. Nhiều bạn trẻ đi lễ chùa nhưng vẫn mặc những trang phục gây phản cảm, phạm giới bất kính nơi cửa Phật vì vậy chúng ta cần phải có ý thức hơn trong việc bảo vệ và phát huy văn hóa tâm linh nơi cửa Phật như một nét đẹp của văn hóa truyền thống bao đời của dân tộc.
Đi lễ vốn dĩ chỉ cần thành tâm nhưng nay lại là chuyện không nhỏ bởi không phải ai đi lễ cũng hiểu hết những “phép tắc” chốn tôn nghiêm. Sự thiếu hiểu biết thậm chí là coi thường yếu tố “lễ” đang làm méo mó, biến dạng các lễ hội gắn với các nơi thờ tự.
Đã đến lúc người đi lễ cần phải thay đổi tư duy về văn hóa đi lễ để không tạo ra những hình ảnh phản cảm xảy ra nơi tôn nghiêm như đã thấy. Đối với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn, chân chính.
>>> Quan điểm của bạn thế nào về vấn đề này? Chia sẻ ý kiến hoặc bài viết ở bình luận bên dưới. Những ý kiến hay, được đăng tải sẽ hưởng chế độ nhuận bút theo quy định!