Ma túy “núp bóng” kẹo, nước giải khát, cà phê “bủa vây” trường học
Cảnh báo ma túy “núp bóng”, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới Ma túy “núp bóng” thực phẩm chức năng, bánh kẹo… rao bán công khai trên mạng |
Mới đây, theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho hay, qua điều tra, lực lượng chức năng phát hiện thời gian qua, trên địa bàn xuất hiện loại ma túy thường được đựng trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây có in dòng chữ dễ nhầm lẫn với các loại nước giải khát. Trong đó, có dạng gói hương dâu, hương nho, hương xoài...
Kết quả giám định của cơ quan công an, đây là một loại ma túy mới xuất hiện, được pha trộn từ nhiều chất ma túy tổng hợp như: ketamine, diazepam.
Trên bao bì sản phẩm không ghi thông tin của nhà sản xuất, cũng như xuất xứ của sản phẩm, bên trong là chất bột có màu tím, màu hồng, màu vàng, khi uống sẽ gây ảo giác mạnh, loạn thần và có thể đe dọa tính mạng nếu sử dụng quá nhiều.
Các gói nước có chứa ma túy (Ảnh: Công an Thanh Hóa). |
Công an xác định loại ma túy này được vận chuyển về Việt Nam theo dạng hàng xách tay, được rao bán tại các shop online, tụ điểm vui chơi, giải trí, quán bar, pub.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn bán ở gần trường học phổ thông, đại học nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập rèn luyện của các em. Đây là thực trạng đáng báo động trong cộng đồng.
Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin tuyên truyền về tác hại của ma túy, đặc biệt là các loại ma túy mới.
Thông tin về tình hình tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang diễn biến rất phức tạp. Các đường dây tàng trữ, vận chuyển, mua bán ma túy trái phép thường hoạt động với quy mô lớn và trên diện rộng, trải dài cả liên tỉnh và xuyên quốc gia.
Bên cạnh các phương thức, thủ đoạn truyền thống, tội phạm ma túy triệt để sử dụng công nghệ thông tin, mạng Internet để trao đổi, mua bán và rút ngắn thời gian giao dịch với độ bảo mật cao, điển hình như: Lập các nhóm chát kín trên các nền tảng mạng xã hội của nước ngoài như: Telegram, Viber…; thay đổi phương thức giao dịch, vận chuyển bằng cách sử dụng các đơn vị vận chuyển trung gian như: Grab, Bee… để vận chuyển, mua bán ma túy nhằm đối phó sự phát hiện, điều tra, khám phá của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, các đối tượng còn chế biến và sản xuất những loại ma túy mới chưa có trong danh mục cấm và trộn chúng vào dung dịch thuốc lá điện tử. Thành phần của thuốc lá điện tử có chứa nicotine, một chất gây nghiện, có thể gây hại cho sự phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của trẻ. Trường hợp nặng, nó có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê và thậm chí tử vong.
Theo Bộ Công an, ma túy "núp bóng" thường được đựng trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây với các nhãn hiệu như Crispy Fruit, Crispy Fruit Grape, Mango, hoặc được gọi là "nước dâu," "nước vui," cà phê "White Coffee," "CHALI,"... Các loại ma túy này được vận chuyển về Việt Nam qua các phương tiện như hàng hóa xách tay, đường bộ, đường thủy và đường hàng không.
Ma túy được giấu trong các hộp thực phẩm chức năng để vận chuyển từ châu Âu về Việt Nam qua đường hàng không. Ảnh: C04. |
Tình trạng học sinh sử dụng chất cấm bị các lực lượng chức năng phát hiện không hiếm gặp. Ngoài việc sử dụng, không ít em còn tham gia tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp ngay trong trường học. Từ công tác xét xử những đối tượng cầm đầu đường dây mua bán ma túy cho thấy, học sinh đang là mục tiêu mà các băng nhóm buôn bán ma túy lợi dụng, khai thác phục vụ mục đích xấu bởi đây là nhóm nguy cơ cao dễ bị dụ dỗ, khống chế.
Với lực lượng khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên hiện nay, đây đang là mục tiêu mà các đối tượng tội phạm ma túy tấn công, lôi kéo. Ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết: "Ma tuý thẩm lậu vào trường học đã tạo ra nhiều nỗi đau cho các gia đình. Hiện nay, nguy cơ này đang quay trở lại với nhiều hình thức đa dạng, tinh vi. Trong khi đó, việc phát hiện sớm là rất khó đối với cả học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh...".
Thực tế, không chỉ tại Thanh Hoá, trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cũng đã xuất hiện tình trạng gần nhiều trường học phổ thông, đại học lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng của các em học sinh...
Bộ Công an khuyến cáo, nhà trường và các bậc phụ huynh hãy chú trọng giáo dục và khuyến cáo con em trong độ tuổi thanh thiếu niên về việc không tham gia tàng trữ và sử dụng các chất ma túy, không sử dụng thuốc lá điện tử, các dạng thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tinh thần không rõ nguồn gốc hoặc chưa được chính quyền cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Đặc biệt, cần luôn quan tâm đến các biểu hiện về tâm sinh lý của con em và sớm phát hiện những biểu hiện bất thường về thói quen sinh hoạt và tâm lý để có biện pháp động viên và ngăn chặn nếu nhận thấy các em sử dụng các loại thực phẩm, chất kích thích không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh có điều kiện và các hộ kinh doanh khác tuyệt đối không được tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử, thuốc kích thích (có thể là ma túy núp bóng)…