Đồ uống có đường chịu thêm thuế: Cần đánh giá kỹ đối tượng bị tác động
Lý do cần kiểm soát chặt chẽ đồ uống có đường Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường có thể gây "tổn thương" lớn? |
Ai sẽ bị ảnh hưởng nếu tăng thuế nước ngọt?
Làm lao động tự do, thu gom phế liệu nhiều nên thường chị Nguyễn Thị Duyên (46 tuổi, huyện Thanh Oai, Hà Nội) thường xuyên giải khát bằng những lon nước trái cây hoặc nước điện giải có chút đường.
Đồ uống có đường chịu thêm thuế: Cần đánh giá kỹ đối tượng chịu tác động |
“Công việc mệt nhọc, có những hôm trời nắng 40 độ tôi vẫn phải khuân vác cả một xe hàng lớn giữa trưa. Mỗi lúc có cảm giác hụt hơi, tụt huyết áp, tôi lại uống một chai trà đóng chai để cân bằng lại. Sử dụng đều đều như vậy gần 20 năm nay, tôi không hề béo phì, chỉ loanh quanh hơn 45kg, nhiều người còn chê tôi gầy”, chị Duyên nói và tỏ ra khá ngạc nhiên khi “đọc báo, thấy người ta nói tăng thuế đồ uống có đường để giảm tình trạng béo phì”. Với mức thu nhập thấp, chỉ dao động 200.000 – 300.000 đồng mỗi ngày, những người lao động như chị Duyên cảm thấy áp lực việc phải trả thêm bất cứ chi phí gì do hàng hóa hay sử dụng “đắt” lên.
Làm nghề chạy xe hơn 15 năm nay, “bạn đồng hành” không thể thiếu trên mỗi nẻo đường đối với anh Nguyễn Đình Tuấn (49 tuổi, Hà Đông) là những chai nước giải khát. Đặc biệt những ngày nắng nóng, chai nước điện giải giúp anh xua tan nhiều mệt mỏi, oi bức. Chưa kể, có những hôm ôm vô lăng cả chục tiếng, để chống lại cơn buồn ngủ trên hành trình dài ấy, anh Tuấn hay nhiều tài xế khác thường uống nước ngọt để tỉnh táo và có sức.
Mới đây, khi nghe tin đề xuất tăng thuế đồ uống có đường với mục tiêu giảm béo phì, anh Tuấn lo giá cả những lon nước được mình mua hàng ngày sẽ “đội” lên. Bởi khi tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, thì họ không còn cách nào khác sẽ tăng giá bán sản phẩm, cuối cùng người tiêu dùng.
“Việc chạy xe nhiều năm nay chỉ mang lại thu nhập hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Với tốc độ lạm phát, vật giá leo thang hiện nay, mỗi thứ tăng giá một chút, sẽ dồn áp lực lên những người lao động có thu nhập thấp”, anh Tuấn chia sẻ.
Trước đó, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đồ uống có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Một trong những lý do được đưa ra đó là do tại Việt Nam, tỉ lệ sử dụng đồ uống có đường tăng nhanh trong 10 năm qua. Việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường sẽ dẫn đến nguy cơ thừa cân béo phì.
PGS.BS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng - Viện Dinh Dưỡng Quốc gia -cho biết, mặc dù tỷ lệ thừa cân béo phì trong thời gian qua có chiều hướng tăng nhanh, nhưng Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp trong khu vực châu Á và trên thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022, Việt Nam nằm trong vùng xanh khi nói đến tỷ lệ dân số thừa cân béo phí và Việt Nam có tỷ lệ thấp nhất trong 10 nước Đông Nam Á.
Hệ lụy nếu không cân nhắc, tổn thương sẽ là những người yếu thế
Thực tế, khảo sát tiêu dùng cho thấy kết quả, người sử dụng nhiều nước giải khát lại là người ở khu vực nông thôn, những người lao động có thu nhập thấp cần giải khát và tiếp năng lượng khi lao động chân tay/thủ công như tài xế, khuân vác…
TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – cho rằng, nên chăng phải có sự nghiên cứu một cách đầy đủ hơn về việc áp dụng TCVN để áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Ví dụ, nước điện giải chẳng hạn hoặc thức uống thể thao vốn là các mặt hàng có lợi cho sức khoẻ cũng thuộc diện áp thuế.
“Tôi cho rằng cần phải lựa chọn và xác định những mặt hàng nó phù hợp, thời điểm đánh thuế và mức độ mở rộng đối tượng chịu thuế. Ngoài ra cần có những đánh giá tác động toàn diện để đảm bảo rằng sắc thuế khi mà được ban hành phải cân đối được lợi ích và chi phí”, TS. Nguyễn Minh Thảo đề xuất.
Trong khi đó, người tiêu dùng thu nhập thấp sẽ do dự hoặc giảm chi tiêu, tiêu thụ nước giải khát nếu giá thành sản phẩm tăng thêm 10%. Phần lớn nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp tập trung ở khu vực nông thôn, nơi có tỷ lệ thừa cân béo phì thấp.
Sự sẵn có của các loại nước uống đường phố như trà sữa, nước trái cây pha sẵn, trà sữa… cũng khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các loại nước giải khát có đường không bị ảnh hưởng bởi thuế thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng lại tiềm ẩn các nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hơn thế nữa, người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em có thói quen tiêu dùng nhiều loại sản phẩm có đường khác từ những thực phẩm bao gói sẵn như bánh, kẹo, sữa, đồ uống từ ngũ cốc và rất nhiều các loại đồ uống từ đường phố như các loại trà sữa, cà phê, nước trái cây có thêm đường. Theo khảo sát của Decision Lab về thói quen chọn lựa nước uống của người tiêu dùng cho thấy nếu áp thuế lên nước giải khát thì sẽ có 49% người tiêu dùng chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế là nước uống có đường được chế biến thủ công, tại chỗ.
Như vậy, nếu để định hướng người dùng có hành vi giảm béo phì mà lại hạn chế thức uống cần thiết cho vận động, tốt cho sức khoẻ thì dường như đang mâu thuẫn và thiếu tính khoa học. Chưa kể, thuế đánh theo TCVN bao gồm cả nước điện giải, nước uống thể thao, nước trái cây – những loại thức uống vẫn được đánh giá tốt cho sức khoẻ.
Do vậy, khi làm chính sách liên quan đến các sắc thuế đối với các loại sản phẩm đồ uống, cơ quan nhà nước cần phải xem xét bối cảnh kinh tế xã hội hiện tại cộng với những phân tích mang tính khoa học để đánh giá sự hiệu quả. Từ đó, đưa ra đề xuất phù hợp, tạo tính đồng thuận cao với người dân. Và điểm quan trọng nhất, tránh những tác động tiêu cực tới những người lao động thu nhập thấp – tầng lớp dễ tổn thương trong xã hội.
Thừa cân béo phì là một căn bệnh phức tạp, gây ra bởi nhiều yếu tố, bao gồm việc nạp quá nhiều thức ăn vào cơ thể và thiếu hụt các hoạt động thể chất. Nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân béo phì tại Việt Nam. |