Lần tìm điểm đột phá cho ngành dệt may năm Giáp Thìn
Tương lai khó đoán định
Báo cáo từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, nếu như năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44,4 tỷ USD tăng gần 10% so với năm 2021 thì sang đến năm 2023, ngành dệt may đã phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Mỹ (chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam), châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá... Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2023 ước đạt trên 40 tỷ USD, giảm khoảng 10% so với năm trước đó.
Ngành dệt may vốn là một trong những ngành xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam, với tỷ lệ xuất khẩu chiếm tới hơn 80% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành. Do đó cũng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới. Ảnh: Vitas |
Năm 2024 (năm Giáp Thìn), các chuyên gia vẫn tiếp tục đưa ra quan điểm thận trọng về triển vọng của ngành dệt may và cho rằng chúng ta sẽ có thêm một năm không dễ đoán định với nhiều yếu tố tiêu cực và tích cực đan xen.
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - nhìn nhận, ngành dệt may vốn là một trong những ngành xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam, với tỷ lệ xuất khẩu chiếm tới hơn 80% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành. Do đó cũng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới.
Dẫn số liệu, ông Hiếu cho biết, dự kiến tổng cầu dệt may thế giới trong năm 2024 ở mức 715 tỷ USD, tăng nhẹ so với 2023 nhưng vẫn thấp hơn năm 2022, chỉ bằng mức 2020 diễn ra Covid-19, báo hiệu một năm 2024 không có nhiều khởi sắc.
Vẫn theo lãnh đạo Vinatex, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Chartered Bank đều đang đưa ra dự báo đồng Euro, bảng Anh, yên Nhật đều lên giá so với đồng USD trong năm 2024. Đồng Việt Nam vì vậy cũng khó có xu thế giảm giá mạnh so với đồng USD.
Áp lực từ chênh lệch tỷ giá chỉ là một trong số thách thức ngành dệt may phải vượt qua ở năm nay. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế đối diện với những khó khăn như hiệu suất khai thác các nhà máy ở trong nước của Trung Quốc vẫn còn thấp nên về chính sách vĩ mô họ sẽ tăng cường sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu. Trong khi đó, kết quả kinh doanh ngành sợi phụ thuộc nhiều vào mức độ chính sách của Trung Quốc. Giá nguyên liệu bông, xơ sẽ thấp trong nửa đầu năm 2024, theo dự báo của Vitas.
Mặt khác, Quỹ đầu tư VinaCapital nhận định, nhu cầu từ thị trường Mỹ còn yếu, và khó có thể phục hồi sớm trong thời gian ngắn, sẽ là yếu tố kìm hãm quá trình phục hồi của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Hiện, nhiều thương hiệu thời trang và nhà cung cấp trên thế giới cũng đưa ra nhận định “không chắc chắn” về triển vọng thị trường trong năm 2024. Các nhà bán lẻ thời trang đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm mức tồn kho cao, nhu cầu tiêu dùng thấp và cạnh tranh gia tăng.
Do đó, các thương hiệu thời trang có thể sẽ đẩy mạnh việc phòng thủ trong kinh doanh và các nhà cung cấp sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn hơn từ nhu cầu đơn hàng giảm xuống khi vấn đề nay lan đến khắp chuỗi cung ứng.
Một số dự báo chỉ ra rằng, thị trường dệt may Mỹ có thể tăng trưởng từ 8 - 10% về nhu cầu so với năm 2023 (nhưng vẫn nhiều bất định phụ thuộc vào diễn biến thị trường ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản). Với mức độ cải thiện kinh doanh của ba tháng cuối năm 2023, lượng hàng tồn kho cho thấy xu hướng giảm nhanh thì theo đại diện Vinatex “có những hy vọng về đơn hàng ngành may sớm trở lại”.
Tìm điểm đột phá
Hiến kế cho ngành dệt may trước những dự báo bất ổn của thị trường năm 2024, Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp cần tập trung vào công tác thị trường, đưa nó lên làm yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi nhu cầu giảm chắc chắn dẫn đến cạnh tranh cao trong việc giành đơn hàng.
Doanh nghiệp dệt may cũng cần tập trung tìm kiếm, khơi dậy và phát huy những điểm đột phá, tạo nên bí quyết thành công, vượt qua sóng cả và đón đầu xu hướng mới. Ảnh: Vitas |
Song song với đó, cần củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác thị trường, xây dựng chiến lược bài bản trong việc xác định phân khúc sản phẩm, phát triển thị trường và khách hàng mới. Bên cạnh dự báo mang tính chất định hướng dài hạn cần tăng cường dự báo ngắn hạn để ứng phó nhanh với sự biến động của thị trường.
Ông Hiếu nhấn mạnh, doanh nghiệp dệt may cũng cần tập trung tìm kiếm, khơi dậy và phát huy những điểm đột phá, tạo nên bí quyết thành công, vượt qua sóng cả và đón đầu xu hướng mới. Điểm đột phá có thể là sản phẩm mới, thị trường mới, khách hàng mới… được thực hiện dưới một tâm thế hành động quyết liệt và tốc độ.
Vị lãnh đạo Vinatex chia sẻ thêm rằng, điều đáng mừng là hầu hết các doanh nghiệp dệt may đang giữ tâm thế không phải đối phó khó khăn, mà là nắm thời cơ, chớp cơ hội để có hiệu quả cao nhất. Chuẩn bị điều kiện thiết bị, năng lực quản trị, sản xuất với năng suất, chất lượng cao nhất. Tiếp tục tiết kiệm và bảo đảm chi phí sản xuất tốt nhất, có hiệu quả sớm nhất.
Họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh lợi nhuận để cân bằng tiêu chí, ưu tiên quyền lợi người lao động lên trên hết, tiếp đến là cổ đông. Việc cần làm là phải triển khai chính sách giảm giá mạnh để giải quyết bài toán tồn kho, chấp nhận hoạt động dưới giá vốn để duy trì nhà máy sản xuất, tạo nền tảng sản xuất cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động.
Giữ chân người lao động không chỉ chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi đơn hàng mà còn để khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, cho biết định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam là tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Xa hơn nữa, đến năm 2035, đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may sẽ đến từ xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Để thực hiện được quá trình chuyển đổi này, rất cần quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong sản xuất bền vững, xanh hóa và chuyển đổi số. Đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp đang thích nghi dần với những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế...
Trong xu hướng phát triển, doanh nghiệp dệt may luôn duy trì mục tiêu làm đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, chuyển đổi sản phẩm nhanh, mang tính thời trang, thời gian giao hàng nhanh.