Năm 2024, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng gì vào thị trường Mỹ?
Doanh nghiệp dệt may ứng phó với tình trạng thiếu đơn hàng Khởi sắc hàng dệt may xuất khẩu |
Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2023 ngành dệt may Việt Nam dự kiến về đích với 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm trước. Dù kim ngạch giảm nhưng lại là năm tỏa sáng về phát triển thị trường của ngành khi xuất khẩu tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 40-45% tỷ trọng xuất khẩu của ngành.
Theo nghiên cứu từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, sang năm 2024 có nhiều chỉ dấu cho sự khởi sắc của thị trường Mỹ. Dự báo năm 2024 Mỹ nhiều khả năng thoát khỏi cuộc suy thoái, lạm phát được kéo giảm từ mức đỉnh gần 9% xuống 3% sau 1 năm, việc làm và thu thập của người Mỹ vẫn duy trì tăng, nền kinh tế quy mô hơn 25.000 tỷ USD có thể nói đã “hạ cánh mềm”, việc đẩy mạnh thị trường Mỹ được đặt lên hàng đầu của các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Năm 2024, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng gì vào thị trường Mỹ? |
Đặc biệt, trong thời gian tới, khi Việt Nam và Mỹ đã nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sau khi ký kết tuyên bố chung hứa hẹn việc hợp tác cũng như phát triển thương mại giữa hai quốc gia trong đó có cả ngành dệt may.
Doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Mỹ cho năm tới. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo- Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10- CTCP nhận định: Hiện, một số tập đoàn lớn của Mỹ trong đó có Walmart đã thông báo tìm kiếm, mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam, tạo cơ hội đáng kể cho doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường. Cùng với đó là cơ hội thúc đẩy đầu tư và xây dựng chuỗi cung ứng vào Việt Nam.
Các nhà mua hàng ở Mỹ xác định Việt Nam là thị trường cung ứng quan trọng, nhất là khi họ muốn đa dạng chuỗi cung ứng và đặc biệt coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực. Việt Nam cũng có cơ hội để trao đổi với Mỹ về khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ trong đó có dệt may.
Những cơ hội này thúc đẩy doanh nghiệp dệt may sớm đầu tư công nghệ sản xuất thông minh, công nghệ “xanh”, số hóa để giảm giá thành sản xuất, nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm, đảm bảo thời gian giao hàng; phát huy lợi thế của đội ngũ công nhân lành nghề tạo ra các sản phẩm có chất lượng bậc trung trở lên để cạnh tranh, nhất là thâm nhập vào các thị trường ngách tại Mỹ.
Bà Hoàng Thùy Oanh- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cũng thông tin: Doanh nghiệp dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận sâu hơn vào thị trường Mỹ và tăng tỷ trọng hàng hóa dệt may Việt Nam xuất sang Mỹ.
Tuy nhiên, để có thể nắm bắt được cơ hội, trước hết doanh nghiệp cần tập trung trong công tác thị trường, nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu chiến lược về nguồn cung, các yêu cầu cụ thể từ doanh nghiệp Mỹ đối để nhanh chóng có kế hoạch tiếp cận trực tiếp các nhãn hàng, chuỗi cung ứng lớn và phát triển khách hàng mới.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần củng cố và tổ chức hệ thống của mình để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của thị trường với khả năng cạnh tranh cao, như linh hoạt trong tổ chức sản xuất và quản lý đơn hàng, đáp ứng nhanh và tốt nhất yêu cầu của khách hàng, của thị trường. Số hóa trong công tác quản trị nhằm tối ưu hóa các nguồn lực sản xuất, nâng cao hiệu suất, giảm giá thành sản xuất, tập hợp và minh bạch hóa dữ liệu quản lý. Xây dựng lộ trình thực hiện xanh hóa nhà máy để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp dệt may sẽ cần phải nhanh chóng hành động để đón đầu cơ hội kinh doanh, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa hàng may mặc sang thị trường Mỹ, mang lại hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, đại diện May Hoà Thọ cho hay.
Ở vị trí dẫn dắt ngành dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng có định hướng và mục tiêu cụ thể cho thị trường Mỹ năm 2024. Ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay: Cơ hội mới với thị trường Mỹ đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của công tác thị trường. Có thể nói, thành công của năm 2024 tập trung 70% ở thị trường Mỹ. Theo đó, nhóm thị trường, kinh doanh tại các doanh nghiệp cần tập trung mạnh vào thị trường này.
Thời gian tới, ngành may cần tính toán giảm tỷ lệ sản phẩm giá rẻ (khoảng 20%), thay đổi kết cấu loại hàng, đầu tư thêm thiết bị chuyên dùng, đảm bảo công nhân lành nghề có thu nhập tương xứng, hướng đến đích tăng doanh thu và lợi nhuận trên đầu người…
Ngành sợi cần tính toán hiệu suất từ sử dụng nguyên liệu, chi phí điện và vốn lưu động; rà soát và thoát khỏi câu chuyện phải tăng trưởng chiều rộng, phải tối đa sản lượng hàng hoá phổ thông mà mục tiêu chính phải là tăng trưởng hiệu quả, cải thiện sức mạnh doanh nghiệp sau một năm khó khăn.