Lãi suất tiết kiệm đụng trần cho phép
Cụ thể, tại Kienlongbank điều chỉnh biểu lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng lên mức kịch trần 6%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ); kỳ hạn tiền gửi 6 đến 12 tháng, ngân hàng áp dụng mức 7 - 7,5%/năm; kỳ hạn trên 1 năm dao động từ 7,5-7,75%/năm.
Kể từ ngày 26/10, VPBank cũng thông báo điều chỉnh lãi suất huy động. Theo đó, tất cả các khoản tiền gửi trên 300 triệu có kỳ hạn dưới 6 tháng theo hình thức gửi trực tuyến đều được áp dụng mức lãi suất kịch trần 6%/năm; các khoản tiền gửi dưới 300 triệu sẽ được nhận lãi suất từ 5,8 – 6%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Với hình thức gửi tiền tại quầy, mức lãi suất tối đa dành cho các kỳ hạn dưới 6 tháng cũng chạm mốc 6%, nhưng có đi kèm theo điều kiện về số tiền gửi hoặc kỳ hạn gửi.
Như vậy, so với biểu lãi suất niêm yết hồi đầu tháng, lãi suất huy động cao nhất dành cho các kỳ hạn dưới 6 tháng của VPBank đã tăng thêm khoảng 1 – 1,6%/năm. Với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất huy động đã tăng thêm khoảng 1%.
Hiện lãi suất cao nhất đang được VPBank áp dụng đã lên tới 8,7% dành cho các khoản tiền gửi trên 50 tỷ tại các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng. Với số tiền ít hơn, lãi suất cao nhất dao động trong khoảng 8 – 8,6%.
Còn tại Ngân hàng số Cake by VPBank trước đó từng đưa ra mức lãi suất huy động lên tới 9,5%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi kỳ hạn 36 tháng và số tiền gửi tối thiểu 300 triệu đồng. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất thị trường thời điểm đó.
Tuy nhiên sau đó đến ngày 19/10 Cake đã giảm mức lãi suất cao nhất xuống còn 8,8%/năm với cùng kỳ hạn và số tiền gửi. Ở kỳ hạn 6 tháng với số tiền dưới 50 triệu đồng, lãi suất là 8,2%/năm và đến cuối ngày 25/10 Cake vẫn giữ nguyên mức lãi suất này.
Tương tự, Sacombank cũng tăng mạnh lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 4,1 - 4,6%/năm trước đó lên 5,6 - 6%/năm theo biểu lãi suất mới, tương đương mức tăng 1,4 - 1,5%/năm kể từ cuối ngày 25/10.
Trong đó kỳ hạn 5 tháng lãnh lãi cuối kỳ tăng lên mức kịch trần 6%/năm. Kỳ hạn 4 tháng lãi suất cũng lên đến 5,9%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 - 11 tháng cũng tăng từ mức 5,8 - 6,3%/năm lên 7 - 7,25%/năm với kênh quầy.
Với kênh online, lãi suất với các kỳ hạn 1 - 5 tháng đều tăng lên mức kịch trần 6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng với kênh online cũng cao hơn 0,5%/năm so với gửi tại quầy.
Còn kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi online Sacombank đưa ra là 7,8%/năm, cao hơn nhiều so với mức cũ. Nếu gửi từ 24 tháng lãi suất là 8%/năm.
OCB tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng với gửi tiết kiệm tại quầy lên lần lượt 5,7%/năm và 5,9%/năm. Kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lên 6,8%/năm và 7,5%/năm.
Kỳ hạn 36 tháng lãi suất là 7,8%/năm. Nếu gửi tiết kiệm online thì lãi suất cao nhất lên đến 7,85%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, còn nếu gửi từ kỳ hạn 12 - 24 tháng lãi suất cũng lên đến 7,8%/năm.
NGày 26/10, Techcombank thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới. Trong đó, nhà băng này đã tăng lãi suất huy động tại quầy đối với khách hàng mới theo sản phẩm Tiền gửi Phát lộc lên mức tối đa cho phép là 6%/năm cho tất cả các kỳ hạn gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Các sản phẩm tiết kiệm thông thường được hưởng lãi suất 5,9%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng.
So với hồi đầu tháng 10, lãi suất huy động của Techcombank tại các kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng thêm 2 - 2,3%/năm. Đối với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất huy động hiện tại của Techcombank cũng tăng thêm 0,5 – 1%/năm tùy từng kỳ hạn và số tiền gửi.
Mức cao nhất đang được Techcombank áp dụng là 7,8%/năm dành cho các khách hàng mới, có số tiền gửi trên 1 tỷ tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo sản phẩm "Tiền gửi Phát lộc".
Đồng thời, một loạt ngân hàng khác như BacABank, NCB, SeABank, VIB cũng đã đưa ra biểu lãi suất huy động mới, trong đó tăng mạnh lãi suất tiền gửi với kỳ hạn dưới 6 tháng.
Trong đó Biểu lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân NCB - một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất thị trường - áp dụng từ chiều nay cũng tăng ở hầu hết kỳ hạn. Các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng đều được tăng kịch trần 6%/năm.
Với kỳ hạn 6-11 tháng, NCB trước đó có lãi suất huy động 6,75-6,85%/năm đến nay đã tăng lên mức 7,45-7,55%/năm nếu gửi tiền tại quầy và 8-8,1%/năm nếu gửi tiền online.
Tại kỳ hạn 12 tháng, đầu tháng 10 các khách hàng gửi tiền vào NCB chỉ nhận được mức lãi suất xấp xỉ 7%/năm nhưng đến nay lãi suất đã tăng lên 7,65%/năm nếu gửi tại quầy và 8,2%/năm nếu gửi online. Biểu lãi suất mới công bố ngày 25-10, SeABank cũng tăng lãi suất thêm 1 - 1,2%/năm ở tất cả kỳ hạn.
Nam A Bank thay đổi biểu lãi suất từ cuối ngày 24/10, với kỳ hạn dưới 6 tháng áp dụng mức cao nhất gần 5%/năm; kỳ hạn trên 7-12 tháng dao động 7,9-8,2%/năm; kỳ hạn trên 1 năm được ngân hàng này áp dụng mức cao nhất 8,4%/năm.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ngân hàng chưa công bố biểu lãi suất mới, ngay cả những ngân hàng vốn duy trì mức lãi suất huy động cao so với mặt bằng chung. Tại Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank công bố lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng quanh mức 6 - 6,4%/năm. Và kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng quanh mức 4 - 4,5%/năm.
VNDirect đưa ra nhận định, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3-0,5 điểm % từ mức hiện tại vào cuối năm nay.
Trước đó, ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành. Trong đó, NHNN đã ban hành Quyết định số 1812/QĐ-NHNN ngày 24 tháng 10 năm 2022 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm.
Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.