Kinh tế Việt Nam 2024: Kỳ vọng điểm sáng nào?
Dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam ở mức 6% Việt Nam nằm trong số 20 nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao PGS.TS Ngô Trí Long: Gỡ nút thắt, tạo đột phá cho ngành Công Thương năm 2024 |
Tín hiệu phục hồi
Chia sẻ với Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá nền kinh tế Việt Nam có một năm “kiên cường và mạnh mẽ” giữa “cơn gió ngược suy thoái toàn cầu”. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ chỉ tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2023, Khu vực đồng Euro (Eurozone) tăng trưởng dưới 1%... thì kinh tế Việt Nam vẫn có những tín hiệu tích cực khi duy trì tốc độ tăng trưởng trên 5%. Khi suy thoái toàn cầu là cú sốc lớn đối với nhiều cường quốc xuất khẩu, chúng ta vẫn ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư năm 2023 ước đạt gần 30 tỷ USD, cao gấp gần 3 lần so với năm trước, góp phần tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô được đánh giá ổn định, chính sách kiểm soát lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng đã mang lại hiệu quả tích cực. Hệ thống tài chính ngân hàng được duy trì với sự ổn định nhất định, đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế. Tỉ lệ bội chi ngân sách dưới 4%, nằm trong ngưỡng an toàn và cán cân vãng lai thanh toán duy trì thặng dư, góp phần giữ vững niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng, làm tiền đề cho tăng trưởng trong năm 2024. Điểm tích cực nữa là sự phục hồi của nền kinh tế, thể hiện qua tăng trưởng của tháng sau luôn cao hơn tháng trước, đặt nền móng cho một tốc độ tăng trưởng tích cực trong những tháng cuối năm.
Đặc biệt, ngành chế biến chế tạo đã có sự phục hồi và các ngành như du lịch, dịch vụ cũng đang bắt đầu hồi phục. Điều này cho thấy nền kinh tế đang phát đi những tín hiệu phục hồi tích cực. Nó cũng cho thấy sự quyết tâm và khả năng thích ứng của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế bền vững và phát triển trong bối cảnh thách thức toàn cầu. Tạo cơ hội vững chắc cho sự phát triển tiếp theo và định hình tương lai của đất nước.
PGS. TS Ngô Trí Long đánh giá có nhiều nguyên nhân thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Đầu tiên là nhu cầu từ thị trường quốc tế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam được cải thiện, đặc biệt là từ quý IV. Điều này có vai trò quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, tạo ra nguồn ngoại tệ đáng kể cho nền kinh tế. Thứ nữa, việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công cũng mang đến những tác động tích cực, giúp kích thích hoạt động kinh tế và tạo ra hiệu ứng lan tỏa đối với nhiều ngành. Mặc dù nền kinh tế đã trải qua cú sốc mạnh từ sự giảm giá và ảnh hưởng của đại dịch, nhưng tiêu dùng tư nhân vẫn khả quan, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế tổng thể. Đặc biệt, yếu tố quan trọng đóng góp vào quá trình phục hồi nền kinh tế là sự điều hành linh hoạt của Chính phủ cùng các bộ, ngành.
“Những điểm sáng trên thật sự là bức tranh sống động của một nền kinh tế có độ mở cao, đầy năng động và sáng tạo. Nhìn thẳng, chủ động đối mặt với những thách thức từ bên ngoài, khéo léo tận dụng sức mạnh nội tại vừa cho thấy sự mềm dẻo, linh hoạt vừa cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của cả nền kinh tế. Kết hợp chính sách khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong mọi lĩnh vực của kinh tế xã hội đã góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước”, ông Long phân tích.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang trở lại vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Ảnh: Cấn Dũng |
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Thọ, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá tăng trưởng kinh tế đang có những dấu hiệu tích cực, thể hiện ở tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, đầu tư công đang đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng đáng kể, lạm phát được kiểm soát dưới 4,5%... Bên cạnh đó, ước tăng trưởng GDP của quý IV/2023 dự kiến đạt 7,72%, cao hơn đáng kể so với các quý trước trong năm. Đây được xem là những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và triển vọng tăng trưởng trong tương lai gần.
Tương tự, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Hành chính) nhìn nhận về tổng thể, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang thể hiện một hình ảnh tích cực và đầy kỳ vọng. Tăng trưởng kinh tế được đánh giá là khá ổn định, tạo nên một bức tranh kinh tế với nhiều điểm sáng đáng chú ý. Điều này này giúp tạo ra niềm tin vững chắc từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng. Những thành quả này, theo ông Thịnh, đến từ việc Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các giải pháp quyết liệt cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như: Giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa; miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí; giãm hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất; thúc đẩy việc sử dụng vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn, giảm được các chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận…
“Những chính sách và biện pháp này đã có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất, đồng thời đưa ra triển vọng tích cực cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam”, ông Thịnh đánh giá.
Cũng cố nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết năm 2023, đại dịch COVID-19 đã được khống chế nhưng hậu quả đại dịch để lại vẫn rất nặng nề, đang tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Mặt khác, căng thẳng về địa chính trị và tăng cường rào cản kỹ thuật từ phía các thị trường quan trọng của Việt Nam liên quan đến các sản phẩm xanh, sản xuất xanh đã đặt ra những khó khăn, thách thức to lớn cho nền kinh tế Việt Nam những năm tiếp theo.
Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 44 tỷ USD năm 2024. Ảnh: Cấn Dũng |
Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng chịu nhiều khó khăn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động trầm lắng, thị trường bất động sản cũng rơi vào tình cảnh ảm đạm, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi cơ cấu hàng chưa phù hợp, thừa hàng ở những phân khúc cao, nhưng lại thiếu hàng ở phân khúc thấp. Thêm nữa, kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bên trong như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn bất cập. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp còn chậm.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng để củng cố hơn nữa mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước, Việt Nam phải nỗ lực để có thể vượt qua những khó khăn nội tại của chính nền kinh tế cũng như những khó khăn khách quan từ kinh tế thế giới và bối cảnh phức tạp của địa chính trị. “Để có được sự đột phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo đòi hỏi cần có những chính sách, chiến lược điều hành, phát triển kinh tế phù hợp nhằm tận dụng lợi thế từ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm vượt qua khó khăn, thách thức mới”, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh nêu ý kiến.
Nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giải pháp đầu tiên vẫn là ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, giữ vững niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Chú trọng vào việc phát triển các động lực tăng trưởng kinh tế, có thể thông qua việc khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong các ngành công nghiệp chính.
Bên cạnh đó cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh, giúp tăng cường sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Nhà nước cũng cần tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể bao gồm các chính sách ưu đãi, giảm thuế và vay vốn với điều kiện ưu đãi. Đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường hàng hoá và dịch vụ có thể giúp kích thích cầu tiêu dùng và tăng cường sự đa dạng trong nền kinh tế.
“Những giải pháp này, nếu được triển khai một cách hiệu quả, có thể đóng góp vào sự đột phá và phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, để tiếp tục giữ vững tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy được các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023 và tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế năm 2024. Đó là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định giá trị VND, kiềm chế lạm phát; kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tiền tệ - tài khóa, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp, để hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động sản xuất.
Chính phủ cần tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, theo dõi, đánh giá để phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ tăng trưởng; giữa đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân. Doanh nghiệp cũng cần chủ động sắp xếp tinh gọn từ khâu quản lý đến hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giảm giá thành sản phẩm. Tập trung nguồn lực đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần.
“Nhìn chung chúng ta cần nâng cao sức chống chọi trước các cú sốc từ bên ngoài và tận dụng sức mạnh nội tại cũng như năng suất trong nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bằng cách này chúng ta có thể biến những thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu tạo ra thành cơ hội để củng cố mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước”, chuyên gia Định Trọng Thịnh khuyến nghị.