Kinh tế vĩ mô 4 tháng: Tăng trưởng rõ rệt, tạo đà cho cả năm
Nhiều điểm sáng trong 4 tháng
Ở đây tín hiệu chủ đạo là kinh tế 4 tháng đầu năm đều có bước tăng khi tháng sau cao hơn tháng trước và cả 4 tháng đều tốt hơn cùng kỳ năm 2023. Những nét nổi bật khác có thể kể đến là kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Điểm sáng đáng chú ý là sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,5%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3%.
Cùng đó, hoạt động dịch vụ trong 4 tháng đầu năm 2024 diễn ra sôi động và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 8,5%, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 15,3%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 49,3%; vận chuyển hành khách tăng 8,4% và luân chuyển hành khách tăng 12,7%; vận chuyển hàng hóa tăng 12,7% và luân chuyển hàng hóa tăng 7,6%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng cao ở mức 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý ở đây là kim ngạch một số mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tăng cao như: Hàng điện gia dụng và linh kiện tăng 29,7%; điện thoại và linh kiện tăng 27,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 26,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 23,1%; sợi dệt tăng 22,5%; bông tăng 20,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 18,9%… Đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang tích cực thúc đẩy sản xuất phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới.
Xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, tác động lan tỏa đến phát triển các ngành liên quan, nâng cao trình độ lao động, nâng cao trình độ sản xuất trong nước nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Điện tử luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhiều năm qua. (Ảnh minh họa) |
Theo các chuyên gia, tăng trưởng kim ngạch trong xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã bổ sung nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được thể hiện rõ ràng hơn, các thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam đều đạt mức tăng rất cao.
Là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục tăng lên trong những năm qua. Nếu như năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng đã gấp 2 lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức trên 10% từ đó đến nay (năm 2016 chiếm 10,7%; năm 2017 chiếm 12,2%; năm 2018 chiếm 12,1%; năm 2019 chiếm 13,7%, năm 2020 chiếm 15,8%; năm 2021 chiếm 15,1%; năm 2022 chiếm 15% và năm 2023 chiếm 16,2%).
Đặc biệt ở một lĩnh vực vốn gây nhiều lo lắng cho nền kinh tế trong năm 2023 là số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường có xu hướng tăng mạnh thì 4 tháng đầu năm đã có bước chuyển tích cực với việc trong 4 tháng có 51.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 3,4% về số doanh nghiệp và 9,3% về vốn đăng ký với cùng kỳ); đồng thời có hơn 29.700 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2,4%.
Tránh “giật cục” trong điều hành
Bài học của 4 tháng đã cho thấy rõ trước những khó khăn nội tại của nền kinh tế vẫn còn tồn tại cùng với những bất định khó lường của tình hình kinh tế thế giới, càng khó khăn, càng áp lực lại càng cần phải nỗ lực, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.
Trong đó, trọng tâm là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đồng thời, nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Đây cũng là những bài học kinh nghiệm trong điều hành của mấy năm gần đây nhưng nó chứng tỏ nếu chúng ta hành động quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn sẽ cho phép khắc phục triệt để các thách thức, tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Diễn biến xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm giai đoạn từ 2020 đến nay. (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Một trong những giải pháp trọng tâm cho các tháng tiếp theo của năm 2024 cần được đặc biệt quan tâm là tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Về đầu tư, cải cách, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chuyển đổi số, không gây phiền hà, sách nhiễu, tạo thuận lợi thu hút, giải ngân đầu tư xã hội, tăng cường các dự án hợp tác công tư, thu hút FDI có chọn lọc… Về xuất khẩu, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; có giải pháp kịp thời, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh… Về tiêu dùng, tăng cường kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng trong nước; tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá, thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới từ đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Cùng đó, trong điều hành vĩ mô cần chú ý bảo đảm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; lưu ý không điều hành "giật cục" và chính sách tài khoá phải tích cực hơn.
Theo đó, cần sớm trình cấp có thẩm quyền ngay trong tháng 5 về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.