Khơi dòng chảy xuất nhập khẩu, tạo đà cho sự phát triển của nhiều ngành kinh tế
Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp quan trọng đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu Khai mạc Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng |
Nội dung này đã được tư lệnh ngành Công Thương – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời cụ thể vào những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, đồng thời gợi mở các giải pháp quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, những năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có như đứt gãy nguồn cung, suy giảm tổng cầu do dịch bệnh, xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại và cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn;… song hoạt động xuất nhập khẩu 8 năm liền đạt được kỷ lục mới về kim ngạch và thặng dư thương mại, đặc biệt năm 2023 đạt mức xuất siêu 28 tỉ USD, cao gấp 3 lần so với năm trước, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trên 16% so với cùng kỳ năm trước, thặng dư thương mại đạt trên 8,1 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn |
Để thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các ngành, các địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc đàm phán, ký kết và khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
Đến nay, Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.
Để đạt được kết quả đó, ngành Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết quốc tế trong các FTA và Việt Nam là thành viên; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, người sản xuất tập trung khai thác các thị trường trọng điểm nhiều tiềm năng.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa và phát huy vai trò của các công cụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, các quy định, chính sách mới của nước sở tại giúp doanh nghiệp, người sản xuất và cơ quan quản lý Nhà nước có những phản ứng chính sách phù hợp.
Khai thác hiệu quả FTA: Vấn đề quan trọng nhất là con người
Xuất nhập khẩu – một trong 3 cỗ xe ‘tam mã’ của nền kinh tế - tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực. Đây cũng là một trong những vấn đề nóng tại nghị trường Quốc hội với nhiều câu hỏi được các Đại biểu Quốc hội gửi đến tư lệnh ngành Công Thương. Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn Hậu Giang; Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn Phú Yên đặt câu hỏi về quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Trong khi đó, Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội; Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đặt câu hỏi về việc Bộ Công Thương đã có những chính sách cụ thể nào để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA ở những thị trường tiềm năng, mở rộng thị trường xuất khẩu....
Khai thác hiệu quả FTA: Vấn đề quan trọng nhất là con người |
Cùng với đó, hàng loạt các vấn đề như quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử; giải pháp nào để tăng tỷ trọng xuất khẩu cho doanh nghiệp trong nước;… đã được các đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến khai thác hiệu quả FTA, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vấn đề quan trọng vẫn là con người. Bộ trưởng đề nghị mỗi ngành, mỗi địa phương có kế hoạch, chiến lược tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ về kỹ năng đàm phán và hiểu được các quy định của pháp luật nói chung, nhất là pháp luật quốc tế, cũng như các hiệp định thương mại tự do.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về thời gian khi nào Bộ chỉ số FTA Index được ban hành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Bộ Công Thương đang xây dựng Bộ chỉ số FTA Index, dự kiến cuối quý 3 đầu quý 4 năm nay sẽ được ban hành. Hiện đang trong giai đoạn lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động và các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Liên quan đến quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, quản lý hoạt động xuất khẩu thông thường quản lý đã khó, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử khó hơn gấp nhiều lần.
Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tích cực tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội để ban hành các chính sách liên quan đến vấn đề này. Trong thời gian tới, để tăng cường quản lý giao dịch thương mại điện tử đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Cụ thể là tách bạch luồng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử; bỏ quy định về miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng với hàng hoá nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới một triệu đồng; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc, xử lý để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập khẩu qua thương mại điện tử.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt tăng xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp tăng nguồn hàng chất lượng cao, ổn định để cạnh tranh doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam... Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đa dạng hóa hỗ trợ khai thác các FTA, hỗ trợ xuất khẩu qua thương mại điện tử; thông tin, hướng dẫn, cảnh báo doanh nghiệp ứng phó với những vụ việc phòng vệ nước ngoài một cách hiệu quả.
Một lĩnh vực quan trọng cũng được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra tại phiên chất vấn là logistics có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ban, ngành để phát triển logistics, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đã đạt được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, hiện nay logistics còn một số hạn chế như nhận thức chồng chéo, cơ sở hạ tầng chưa thực sự đồng bộ, vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đội ngũ nhân lực... Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ phối hợp với hiệp hội, phát triển chỉ số logistics, có khuyến cáo về xuất nhập khẩu hàng ngày, đẩy mạnh xúc tiến thị trường...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên Mục tiêu của hội nhập không phải chỉ là đo đếm bằng các FTA hay đo đếm bằng các dự án nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, bằng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên hàng năm. Thước đo ở đây phải là đo bằng "sức khỏe" của nền kinh tế đất nước mà bằng sự hội nhập của chính doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. |