Hành khách đi lại tăng vọt, ngành đường sắt làm ăn ra sao?
Doanh nghiệp ngành đường sắt trải qua một năm kinh doanh tương đối khởi sắc sau thời gian dài thua lỗ do tác động của đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia, việc hành khách quay lại là cơ hội đáng mừng với đường sắt, nhưng các doanh nghiệp trong ngành cần phải tận dụng cơ hội này để cải thiện hình ảnh, thay đổi quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút thêm khách hàng.
Doanh thu cao, lợi nhuận lớn
Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho thấy, năm 2023 hoạt động kinh doanh của VNR có nhiều khởi sắc. Doanh thu toàn tổng công ty đã vượt kế hoạch năm với 8.503,8 tỷ đồng, đạt 101,7% so với mục tiêu đề ra. Trong đó, công ty mẹ đạt doanh thu 6.247 tỷ đồng, tăng113,2%; lợi nhuận sau thuế 4,5 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 173 tỷ.
Hai công ty thành viên là Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (SRT) và Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (HARACO) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng vọt. Cụ thể, SRT lãi 10,7 tỷ đồng, HARACO lãi hơn 14 tỷ đồng. Theo lý giải của các doanh nghiệp, kết quả này là do doanh thu tăng trong khi chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh giảm nên lợi nhuận tăng mạnh so năm trước đó.
Doanh nghiệp ngành đường sắt trải qua một năm kinh doanh tương đối khởi sắc sau thời gian dài thua lỗ do tác động của đại dịch COVID-19. Ảnh: VNR |
Ngành đường sắt cũng ghi nhận những thành tựu ấn tượng với việc vận chuyển 6,1 triệu lượt hành khách, tăng 135,4% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 3.973,4 tỷ đồng, tăng 107,0% so với cùng kỳ.
Toàn ngành cũng đã hoàn thành nhiệm vụ công ích về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Điều này chứng tỏ cam kết của ngành trong việc duy trì và cải thiện chất lượng hạ tầng để đảm bảo an toàn và hiệu quả vận hành.
Bên cạnh đó, tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt trong năm vừa qua cũng được đánh giá tích cực. Số vụ tai nạn giảm xuống 205 (tương đương giảm 5,1%), số người chết và bị thương cũng giảm mạnh.
Theo ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR, những kết quả tích cực trên đến từ việc nhu cầu đi lại của người dân đã gần như bình thường sau nhiều năm bị giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các hoạt động du lịch trong nước phục hồi và phát triển trở lại, giúp thị phần vận tải hành khách bằng đường sắt đã có sự tăng trưởng cao.
Năng lực chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đã được cải thiện sau khi các hạng mục đầu tư sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt, các ga mới (thuộc gói 7.000 tỷ) được đưa vào khai thác. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là việc giảm mức thu nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt cũng đã phát huy tác dụng tích cực.
Ngoài ra, VNR cũng triển khai một loạt các giải pháp để tăng doanh thu, sản lượng, tiết giảm chi phí, tái cơ cấu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác quản trị doanh nghiệp và phục vụ khách hàng.
"Đại phẫu" để thúc đẩy tăng trưởng
Mặc dù có những tín hiệu tích cực trong hoạt động kinh doanh nhưng theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ngành đường sắt đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về hạ tầng. Ông Long cho rằng cần có cuộc "đại phẫu" toàn diện để ngành đường sắt tìm lại vị thế của mình thay vì chỉ cố gắng tồn tại.
“Việc hành khách sử dụng dịch vụ đường sắt tăng mạnh là tín hiệu tích cực, là thời cơ tốt để ngành đường sắt thay đổi chiến lược kinh doanh, tìm lại thời kỳ vàng son của mình. Nếu không có sự đổi mới toàn diện, ngành đường sắt sẽ ngày càng tụt hậu”, ông Long nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Bùi Xuân Phong cho rằng những năm gần đây ngành đường sắt đã có nhiều chuyển mình nhưng chưa đồng bộ và không theo kịp các phương thức vận tải khác. Theo chuyên gia, để khắc phục tình trạng hiện tại, ngành đường sắt Việt Nam cần một bước tiến mới. Ngoài việc đầu tư vào đường sắt tốc độ cao, ngành cần phải đổi mới tư duy, phương thức phục vụ và tránh chờ đợi khách hàng. Bên cạnh đó, ngành đường sắt phải tăng cường kết nối các phương thức vận tải khác và linh hoạt trong quản lý hoạt động kinh doanh.
Theo đại diện VNR, năm 2024, công ty mẹ đặt mục tiêu doanh thu 6.258 tỷ đồng, tăng 100,18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, dự kiến tăng sản lượng vận tải khoảng 7,3%, đồng thời lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ trước. Sản lượng và doanh thu toàn bộ tổng công ty dự kiến sẽ tăng trưởng từ 101% trở lên so với cùng kỳ, trong khi doanh thu trực tiếp từ vận tải dự kiến sẽ tăng hơn 104,5% so với cùng kỳ.
Theo VNR, để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp cần tổ chức tốt đợt vận tải cao điểm tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đồng thời, tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trên tàu và dưới ga, thực hiện các giải pháp chống tiêu cực, đảm bảo an toàn cho hành khách và hàng hóa trên các đoàn tàu khách.
Ngoài ra, để tăng tính chủ động trong kinh doanh, tăng năng suất lao động và doanh thu, VNR sẽ thực hiện việc khoán quỹ lương theo doanh thu tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời, duy trì và mở rộng mô hình đoàn tàu chất lượng cao SE19/SE20 Hà Nội - Đà Nẵng, cũng như xây dựng tour du lịch trọn gói hè 2024 cho hành khách, kết nối các điểm đến như Vinh, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng bằng đường sắt.
VNR cũng cam kết chạy tàu đúng lịch trình đăng ký, khai thác hiệu quả luồng hàng nông sản và nội ngành. Duy trì và tăng cường vận tải container, tham gia tích cực vào chuỗi logistics và nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc - Nam, container lạnh...