Hà Giang hút khách bằng du lịch cộng đồng
Khách du lịch đến Nặm Đăm
Thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Giang những địa danh, thắng cảnh nổi tiếng như: đỉnh núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, thác Thí, thác Bay, Cổng trời Quản Bạ, đỉnh Mã Pì Lèng, chợ tình Khâu Vai… và cả một kho tàng văn hoá phong phú của 23 dân tộc anh em cùng sinh sống. Cùng với văn hóa là những đặc sản nổi tiếng như: Cam sành (Bắc Quang), mận hậu (Xín Mần); đào, lê (Đồng Văn), chè San Tuyết (Hoàng Su Phì)….
Thế nhưng, 10 năm trước, những tiềm năng to lớn đó của Hà Giang vẫn chỉ như “nàng công chúa ngủ quên” chưa được “đánh thức” nên cái nghèo vẫn vây bủa người dân nhiều bản làng của Hà Giang. Đến năm 2006, một vài công ty lữ hành đã tổ chức tham quan, ăn nghỉ tại nhà dân một số thôn, bản dân tộc ở đây và khách du lịch đều hết sức thích thú. Sau những phản ứng tích cực của du khách cộng với việc nhận thấy những thế mạnh và lợi ích từ phát triển du lịch cộng đồng, nhiều công ty du lịch đã và gợi ý cho lãnh đạo địa phương đầu tư khai thác loại hình du lịch này.
Trước thực tế đó, ngày 14/8/2006, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Chương trình 35/CTHĐ-UB về “Xây dựng các Làng văn hoá du lịch cộng đồng tại các huyện (mỗi huyện 2-3 làng trở lên) để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc”. Sau khi Chương trình được ban hành, ngành du lịch Hà Giang đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tích cực triển khai xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch.
Kết quả đáng mừng là chỉ sau một năm triển khai, năm 2007, một số thôn, bản như thôn Tha, Bục Bản, Tiến Thắng, bản Tuỳ… đã đón và phục vụ hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Các mặt hàng thủ công truyền thống như dệt lanh, mây tre đan, trang phục dân tộc trở thành hàng lưu niệm bán cho khách. Người dân ở các làng văn hóa đã bước đầu nhận thức vai trò và chủ động tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương. Nhờ đó, không chỉ đời sống của cư dân địa phương được cải thiện đáng kể mà còn góp phần khôi phục làng nghề truyền thống, sinh hoạt văn hóa, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.
Từ những thành công bước đầu, nhiều thôn đã đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương như: Cải tạo nhà ở, mua sắm trang thiết bị tối thiểu để phục vụ và đón khách du lịch tham quan, lưu trú.... Đến nay, Hà Giang đã xây dựng được 25 làng văn hóa du lịch cộng đồng trên toàn tỉnh. Nhiều làng bản đời sống kinh tế - xã hội đã được nâng cao. Điển hình nhất phải nhắc đến thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ. Trong tổng số 51 hộ dân của cả thôn (chủ yếu là người dân tộc Dao), thì có tới 20 hộ dân làm du lịch theo mô hình cộng đồng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, đã có 100 khách quốc tế đến Nặm Đăm và hơn 200 khách du lịch khác tới tham quan Nặm Đăm vì các mục đích khác nhau như: đánh giá tiềm năng du lịch, tham quan, học tập, làm từ thiện… Để thu hút đông khách du lịch hơn nữa, Nặm Đăm đã thành lập Ban quản lý du lịch cộng đồng, có trách nhiệm quản lý chung hoạt động du lịch của thôn. Mỗi tháng một lần, các hộ làm du lịch lại tập trung để tập huấn kỹ năng giới thiệu, quảng bá văn hóa, ẩm thực của dân tộc, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm du lịch.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - Vương Mí Vàng: du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong đó, phát triển du lịch cộng đồng là bước đột phá nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của du lịch Hà Giang. |
Sau 7 năm phát triển du lịch theo mô hình làng văn hóa, Hà Giang đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của Việt Nam. Đặc biệt, từ sau năm 2010 khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu thì lượng khách đến Hà Giang tăng trung bình từ 20-40%/năm. Chỉ tính riêng trong năm 2012, khách du lịch đến Hà Giang đạt gần 418.000 lượt người, tăng trên 26% so với năm 2011. Doanh thu du lịch năm 2012 đạt 327 tỷ đồng. 9 tháng năm 2013, đã có trên 318.000 lượt khách đến với Hà Giang, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo khảo sát của nhiều công ty du lịch lữ hành, hình thức du lịch nghỉ đêm tại nhà dân, câu cá, làm nương, thưởng thức các món ăn dân dã hay tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian được khách du lịch vô cùng thích thú. Hiện rất nhiều bà con thôn bản cũng đã bắt đầu có ý thức về du lịch cộng đồng và mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực phục vụ du lịch để phát triển hơn nữa loại hình du lịch này trong thời gian tới./.
Thanh Tâm