Giảm thuế GTGT 2%: ''Trợ lực'' kích thích sức mua thị trường tiêu dùng
Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng từ giảm thuế Giá trị gia tăng Việc không áp thuế giá trị gia tăng cho phân bón là một ngoại lệ và bất cập lớn |
Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định nhằm mục đích kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Theo dự thảo Nghị quyết, một số hàng hóa, dịch vụ đang áp thuế suất 10% tiếp tục được giảm 2%, về mức còn 8%. Chính sách giảm thuế này được đề nghị kéo dài tới hết năm 2024. Các lĩnh vực tiếp tục không được giảm 2% thuế GTGT bao gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Ảnh minh hoạ |
Việc giảm thuế GTGT tuy tác động trực tiếp đến làm giảm thu ngân sách, nhưng theo Chính phủ, chính sách này sẽ giúp hạ chi phí sản xuất và giá bán nên kích thích sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.
Góp ý về vấn đề này, doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh sức mua đang sụt giảm thì cần kéo dài mức giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2025, hoặc phải mạnh hơn, với mức giảm 5% mới tác động đa chiều hơn, khả năng phục hồi nền kinh tế sẽ nhanh hơn.
Chia sẻ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế GTGT, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội), bối cảnh hiện nay sức cầu trong nước đang rất thấp, nên giảm thuế giá trị gia tăng làm giảm hàng hoá dịch vụ xuống, đặc biệt là hàng hoá dịch vụ thiết yếu, từ đó tác động đến kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất.
Ông Cường chỉ ra, mặc dù nhiều địa phương đều nói việc giảm thuế GTGT sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách ở địa phương nhưng các địa phương đều khuyến nghị nên giảm vì có tác động tốt đến phục hồi sản xuất.
Bên cạnh đó, theo ông Cường: "Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đặt mục tiêu, lộ trình là sẽ tăng dần thuế suất giá trị gia tăng. Tôi cho rằng, đây là vấn đề rất cần phải cân nhắc. Vì hiện nay chúng ta đang muốn khuyến khích sản xuất, muốn thúc đẩy sản xuất thì phải giảm thuế. Nếu tăng thuế GTGT lên trên 10% thì có thể tác động ngược lại".
Cũng theo đại biểu Cường, so với mặt bằng chung của thế giới, hiện nay thuế GTGT của Việt Nam là thấp, bình quân thế giới là 15%. Nhưng so với nhóm nước đang phát triển thì mức thuế này của Việt Nam đang cao hơn, vì vậy cần phải cân nhắc.
Đồng tình với giải pháp tiếp tục áp dụng giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, việc giảm thuế GTGT góp phần tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng, làm tăng doanh số bán ra, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế. Chính sách này giúp giảm giá cả hàng hóa, khống chế được lạm phát, giữ được lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
“Thời gian qua, theo báo cáo của Chính phủ, chính sách giảm thuế sẽ làm giảm khoảng 4.000 tỷ tiền thu vào ngân sách Nhà nước. Nếu áp dụng 6 tháng, dự kiến giảm 24.000 tỷ. Nhưng thực tế, việc giảm thuế lại khuyến khích tăng tiêu dùng nên thu thuế lại không giảm. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước tăng gần 15% so với cùng kỳ”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân ủng hộ việc tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế 2%.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất, nếu thấy chính sách này là hữu ích, không vi phạm điều ước quốc tế thì nên áp dụng luôn trong thời gian dài, thay vì 6 tháng như hiện nay. Theo ông, nên áp dụng tới hết năm 2025 hoặc tới khi Luật thuế GTGT (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực.
Chính sách giảm 2% thuế VAT áp dụng trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024 đã mang lại hiệu quả. Theo đó, vừa kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn để hồi phục.
Cần nới zoom thêm nhiều ngành hàng, dịch vụ
Chia sẻ thêm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm 2% thuế VAT cần tiếp tục được áp dụng vào nửa cuối năm 2024, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ được giảm thuế VAT.
Việc giảm thuế VAT cũng chính là tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể sử dụng, tiêu thụ hàng hóa hóa nhiều hơn. Trên cơ sở đó kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, cần đánh giá, xem xét kỹ những nhóm hàng hóa, ngành nghề nào cần được hỗ trợ giảm thuế VAT. Không chỉ đối với nhóm hàng hóa chịu thuế suất 10%, vị chuyên gia này đề xuất cần mở rộng nhiều hàng hóa, dịch vụ khác. Đơn cử như cân nhắc tới giảm 2% VAT cho những nhóm hàng hóa, lĩnh vực đang chịu thuế suất VAT 5%.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Agrex Sài Gòn, đánh giá cao chính sách giảm 2% thuế VAT.
“Trong bối cảnh, chí phí đầu vào tăng cao, cước phí vận chuyển cũng tăng cao, giá bán doanh nghiệp Việt Nam rất khó giữ, tăng thì khó cạnh tranh, sức mua giảm. Do đó, những chính sách giảm thuế như giảm 2% VAT hay giãn thời gian nộp thuế là những trợ lực rất cần thiết để doanh nghiệp trong nước hồi phục”- ông Long chia sẻ.
Nhưng ông Long cũng như nhiều doanh nghiệp khác kiến nghị Dự thảo Nghị quyết giảm thuế VAT có thể xem xét phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.
Trong thực tế, người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong việc phân loại mặt hàng nào được giảm thuế VAT, mặt hàng nào không được giảm. Theo đó, ông Long phân tích, khi mức giảm thuế VAT mở rộng hơn thì thị trường tiêu dùng được trợ lực mạnh hơn, nhất là thời điểm này khi sức mua đang sụt giảm, thu nhập người tiêu dùng cũng đang bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế khó khăn.