Doanh nghiệp nông nghiệp: Làm gì để không “lệch nhịp” với sản xuất nông nghiệp?
Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp được lợi gì? |
Doanh nghiệp nông nghiệp Việt cần làm gì trước xu thế Blockchain? |
Trong bối cảnh này, việc có các giải pháp giúp đem lại sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp được coi là yếu tố quyết định giúp tránh đi việc lệch nhịp này.
Trả lời cho câu hỏi hiện trạng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam hiện nay, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, mặc dù 5 năm trở lại đây, số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng với tốc độ 4%/năm song chỉ chiếm khoảng 1,35% doanh nghiệp cả nước. Tính theo quy mô vốn số doanh nghiệp có vốn dưới 50 tỷ đồng chiếm tới 84,41%.
“Còn nhiều con số cho thấy doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam hiện rất yếu, chẳng hạn như doanh thu của doanh nghiệp nông nghiệp chỉ bằng 0,62% tổng doanh thu của hệ thống nông nghiệp cũng như năng suất lao động năm cao nhất gần đây chỉ đạt 5,77%, thấp xa so với mục tiêu 8% được đề ra”, bà Minh chia sẻ.
Đáng quan ngại nữa là doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam còn chưa có đầu tư đầy đủ vào công nghệ và quản lý sản xuất trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế và chưa được mở rộng.
Đặc biệt, trong số những doanh nghiệp gặp khó khăn nhất về tiếp cận vốn lại chính là các doanh nghiệp nông nghiệp cũng như thiếu kho bãi, hạ tầng.
Những yếu tố này theo bà Minh đã kéo giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trong khi đội hình doanh nghiệp này có thể và cần phải “lĩnh ấn” đưa sản phẩm hàng hoá của nông nghiệp Việt Nam chắc chân trong các chuỗi cung ứng.
Phân tích sâu hơn về thực trạng này TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, những gì nông nghiệp có được còn dựa vào nỗ lực của trên 9,2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp.
Ảnh minh hoạ |
“Việt Nam chưa có chính sách thực sự đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nông nghiệp. Thêm nữa, tính đồng bộ của chính sách, mức hỗ trợ của chính sách chưa tốt. Đôi khi khâu tổ chức triển khai còn chậm, nguồn lực bố trí cho triển khai chính sách khá khó khăn nên các chính sách có mức hỗ trợ thấp lại tổ chức thực hiện một cách nửa vời nên hiệu quả, mức độ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp chưa lớn”, ông Hùng phân tích.
Bài toán năng lực cạnh tranh đặt ra cho doanh nghiệp nông nghiệp cũng vì thế mà chưa bao giờ trở nên gay gắt, cấp thiết với doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam như lúc này, theo các chuyên gia.
Với trường hợp một doanh nghiệp nông nghiệp có thương hiệu như Tập đoàn Lộc Trời, ông Trần Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn cho rằng, bản thân các công ty thương mại có mua bán gạo phải ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, phải có năng lực sản xuất, lưu kho lúa gạo.
Một số giải pháp giúp doanh nghiệp nông nghiệp nâng dần được năng lực cạnh tranh theo ông Thuận đó là các cơ quan quản lý nhà nước cần quy hoạch vùng trồng thuận lợi và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao. Với các tổ chức tín dụng, nếu “kết thân” với doanh nghiệp nông nghiệp cần có những hiểu biết rõ quy trình canh tác và thời vụ để tránh rủi ro khi cấp tín dụng nông nghiệp.
Một giải pháp đóng vai trò “đòn bẩy” trong nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp là duy trì được yếu tố logistics trong nông nghiệp mà cụ thể là chuỗi kho lạnh, theo ông Nguyễn Thắng Lợi, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam.
Ý kiến này được ông Thuận củng cố thêm bằng việc thông tin, hiện nay chỉ có duy nhất ở đồng bằng Sông Cửu Long chi phí vận chuyển lúa gạo là rất tốt. Nhưng ra khỏi địa bàn Sông Cửu Long thì chi phí rất cao, ngang châu Âu, dẫn đến việc là lúa gạo Việt Nam chưa thể có được giá cạnh tranh.
“Logistics trong nông nghiệp trước hết phải có hệ thống thu mua trải rộng vùng nguyên liệu, sau đó là hệ thống sơ chế đạt tiêu chuẩn, tiếp theo là hệ thống phân phối hàng hóa”, ông Thuận nhìn nhận.
Chia sẻ ý kiến với ông Vũ Mạnh Hùng rằng các chính sách hỗ trợ cho phát triển doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam hiện đã khá đầy đủ, bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, các chính sách này cần phải được thực hiện hiệu quả hơn.
Hai giải pháp được bà Minh nhấn mạnh là trong khi tạo điều kiện cho việc tiếp cận vốn tín dụng từ khu vực ngân hàng thương mại, từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và từ Quỹ bảo lãnh tín dụng. Nghiên cứu hình thành các gói tín dụng, quỹ tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thì cần nghiên cứu cắt giảm 40-50% thủ tục hành chính hiện hành, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm.
“Đặc biệt cần quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, nâng cao nhận thức, đánh giá mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các tài liệu, hướng dẫn chuyển đổi số trong quá trình sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản, xây dựng thương hiệu số”, bà Minh nói.
Còn ông Trần Duy Thuận thì “ngán” nhất cái sở đoản của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam là yếu tố phân mảnh mang tính tự phát và bị động. Ông Thuận cho rằng, yếu tố phân mảnh với nông dân trong sản xuất còn có thể hiểu được chứ với doanh nghiệp mà cứ mãi như vậy thì đường đến với cạnh tranh sẽ còn rất xa.