Chính phủ Mỹ sẽ không cứu Silicon Valley Bank
Ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ Silicon Valley Bank tuyên bố phá sản Ngân hàng Mỹ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga |
Sau khi các cơ quan quản lý đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank – SVB) và tịch thu tiền gửi của ngân hàng, ngày 12.3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, bà đang làm việc “để giải quyết tình hình một cách kịp thời”. Việc có xuất hiện gói cứu trợ hay không vẫn chưa được đưa ra bàn thảo.
Bà Yellen nói với CBS: “Tôi xin nói rõ rằng trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đây, có những nhà đầu tư và chủ sở hữu của các ngân hàng lớn có hệ thống đã được cứu trợ. Sau đó, những cải cách đã được thực hiện. Vậy nên chúng tôi sẽ không lặp lại điều đó nữa. Chúng tôi quan tâm đến người gửi tiền và tập trung vào việc cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho biết, chính phủ sẽ không cứu SVB sau khi ngân hàng này phá sản. Ảnh: Xinhua |
Câu chuyện của SVB bắt đầu vào cuối ngày 8.3, khi ngân hàng này khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên với thông tin rằng, họ cần huy động 2,25 tỉ USD để củng cố bảng cân đối kế toán.
Những lời trấn an từ Giám đốc điều hành của SVB không đủ để ngăn khách hàng rút hơn 42 tỉ USD ngay ngày hôm sau, tạo tiền đề cho vụ đổ vỡ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.
Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết, đơn vị sẽ hỗ trợ tới 250.000 USD cho mỗi người gửi tiền và có thể bắt đầu thanh toán cho những đối tượng này sớm nhất là vào 13.3.
Song, phần lớn số tiền gửi của khách hàng tại SVB đều không có khoản bảo hiểm, làm dấy lên mối lo ngại về việc thu lại.
Bà Yellen cho biết, các cơ quan quản lý đang xem xét nhiều lựa chọn cho SVB, bao gồm cả việc mua lại.
“Đây thực sự là một quyết định đối với FDIC, vì FDIC có quyền quyết định cách tốt nhất để giải quyết công ty này” – Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nói.
Cựu Chủ tịch FDIC Sheila Bair ngày 12.3 cũng cho biết, việc tìm được người mua SVB là “kết quả tốt nhất”.
“Vấn đề là, đây là một sự thất bại về thanh khoản, là một phi vụ rút tiền mặt và không có thời gian để chuẩn bị. Họ đang phải làm điều đó như chơi đuổi bắt” – bà nói.
Hậu quả của sự sụp đổ của SVB có thể ảnh hưởng sâu rộng. Các công ty khởi nghiệp có thể không thể trả lương cho nhân viên trong những ngày tới. Các nhà đầu tư mạo hiểm có thể gặp khó khăn trong việc gây quỹ, và một lĩnh vực vốn đã bị vùi dập có thể phải đối mặt với tình trạng bất ổn sâu sắc hơn.
Bà Bair nhận định, FDIC có thể giúp các công ty trả lương trong trường hợp có ngoại lệ về rủi ro hệ thống, đây sẽ là “một thủ tục đặc biệt”.
Thượng nghị sĩ Mark Warner phân tích: kết quả tốt nhất sẽ là tìm được người mua SVB trước khi thị trường mở cửa ở châu Á. Ông lạc quan cho rằng, FDIC sẽ tìm ra giải pháp.
“Các cổ đông trong ngân hàng sẽ mất tiền, hãy làm rõ điều đó. Nhưng những người gửi tiền có thể được chăm sóc” – Thượng nghị sĩ nói.