Giá vàng gần đạt mức kỷ lục mới
Giá vàng tăng gần 30% từ đầu năm đến nay
Các ngân hàng lớn trên thế giới đang dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục phá kỷ lục trong năm 2025, nhờ vào sự hồi phục của dòng vốn đầu tư vào quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương hàng đầu trên thế giới, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích tại J.P. Morgan, mặc dù nhu cầu vàng giao ngay từ Trung Quốc và các ngân hàng trung ương đã hỗ trợ giá vàng trong 2 năm qua, nhưng sự tăng trưởng của dòng đầu tư, đặc biệt vào ETF, sẽ là yếu tố quan trọng để đẩy giá vàng lên cao hơn trong tương lai, đặc biệt khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Giá vàng tăng gần 30% từ đầu năm đến nay. Ảnh P.C |
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tuần trước và được cho là có thể tiếp tục hạ 0,5 điểm phần trăm vào tháng 11 tới đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 2.662 USD/ounce vào 0 giờ 50 phút ngày 26/9 (theo giờ Hà Nội), sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.670,43 USD/ounce trong cùng ngày. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng 0,3%, lên 2.684,7 USD/ounce.
Đợt tăng giá đầu giờ sáng hôm qua (25/9) được thúc đẩy bởi báo cáo cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ trong tháng này giảm mạnh nhất trong ba năm, sau đó các nhà giao dịch tăng cường đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn trong năm nay.
Cùng ngày, các nhà phân tích hàng hóa tại BMO Capital Markets đã đưa ra triển vọng mới cho vàng, với giá trung bình khoảng 2.700 USD/ounce trong quý IV, tăng 15% so với dự báo trước đó của ngân hàng là 2.350 USD.
UBS Group AG cũng nâng dự báo của mình khi ngân hàng Thụy Sĩ này dự đoán mức giá trung bình tương tự vào giữa năm 2025. Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, giá vàng thỏi đã tăng gần 30%, với đà tăng mạnh sau khi Fed cắt giảm nửa điểm vào tuần trước. Kim loại này cũng được hỗ trợ bởi hoạt động mua mạnh của các ngân hàng trung ương và căng thẳng địa chính trị gia tăng thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn.
Vàng vốn được coi là một tài sản không sinh lời, đã tăng gần 570 USD/ounce, tương đương hơn 27%, tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay. Vàng dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng nhiều nhất tính theo năm kể từ năm 2010. Kim loại quý này đã đạt mức cao kỷ lục là 2.639,95 USD/ounce hồi đầu tuần này và đã đạt mức cao kỷ lục nhiều lần trong năm nay.
Sự phục hồi của bạc
Trong khi đó, bạc cũng được hưởng lợi từ đà tăng giá của kim loại "chị em" của nó, với mức giá tăng khoảng 34% trong năm nay.
Joni Teves, một chiến lược gia về kim loại quý tại UBS Group, cho rằng, sự phục hồi của bạc là do các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội mua vào để bắt kịp. Ngân hàng này cũng nâng mục tiêu giá vàng lên 2.700 USD/ounce vào giữa năm 2025.
“Động thái của các mặt hàng công nghiệp có khả năng cũng tạo ra sự thúc đẩy bổ sung”, Teves cho biết trong một lưu ý của Bloomberg, đồng thời nhấn mạnh: “Triển vọng tăng giá của chúng tôi đối với bạc vẫn không thay đổi; chúng tôi nghĩ rằng, nó có thể hoạt động tốt hơn trong bối cảnh giá vàng tăng, Fed nới lỏng và dự báo thâm hụt thị trường bạc”.
Zhong Liang Han, một nhà phân tích tại Standard Chartered Plc, đồng tình: "Động lực chính thúc đẩy giá bạc trong vài tuần qua là đợt tăng giá của vàng - giá vàng tiếp tục tăng mạnh vào hôm qua nhờ kỳ vọng cắt giảm lãi suất cao hơn sau báo cáo niềm tin tiêu dùng yếu kém".
'Tuy nhiên, đợt tăng giá kim loại công nghiệp sau gói kích thích kinh tế rộng rãi của Trung Quốc chính là động lực chính thúc đẩy đà tăng giá tiếp theo của bạc", Zhong nói thêm.
Bạc chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ chu kỳ kinh tế vì đây cũng là một mặt hàng công nghiệp được sử dụng trong các công nghệ năng lượng sạch, bao gồm cả tấm pin mặt trời.