5 tháng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam bằng 43% cùng kỳ 2023
Đầu tư ra nước ngoài gần 21,43 tỷ USD Đầu tư mới ra nước ngoài tăng gấp đôi, đạt hơn 300 triệu USD 84 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài |
Trong 5 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 42 dự án đầu tư mới và 10 lượt điều chỉnh vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 136,07 triệu USD (bằng 43% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 16 ngành. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (chiếm 43,1% vốn), công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 23,9% vốn); bán buôn, bán lẻ (chiếm 8,3% vốn). Còn lại là các ngành khác.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu tập trung ở ngành khai khoáng. Ảnh: VGP |
Có 16 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024. Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Hà Lan (40,1%); Lào (36,8%); Hoa Kỳ (5,6%); New Zealand (4,3%);…
Lũy kế đến 20/5/2024, Việt Nam đã có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,25 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,6%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,6%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,8%); Campuchia (13,1%); Venezuela (8,2%);…
Theo các chuyên gia để tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư ra nước ngoài, các nhà đầu tư Việt Nam cần chú trọng tìm hiểu kỹ những thông tin về thị trường mục tiêu trước khi ra đầu tư nước ngoài.
Nghiên cứu các quy định pháp luật, cập nhật những thay đổi trong chính sách của nước sở tại nhằm phòng ngừa những tranh chấp, hiểu rõ văn hóa của nước sở tại để tránh những xung đột trong thời gian hoạt động đầu tư, kinh doanh… Tuân thủ đúng luật pháp của nước sở tại, đặc biệt là những quy định trong lĩnh vực môi trường, an sinh xã hội…
Cùng đó cần xây dựng chiến lược đầu tư theo từng thời điểm, từng địa bàn, từng đối tác một cách cụ thể và rõ ràng. Đối với những thị trường đầu tư truyền thống thì lại cần xây dựng chiến lược đầu tư một cách chi tiết hơn nữa để tận dụng những lợi thế của Việt Nam cũng như những ưu đãi của nước sở tại để đạt được hiệu quả đầu tư tối đa nhất.