Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để được công nhận là nền kinh tế thị trường
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương mới đây, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, ông rất lấy làm tiếc khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh |
"Điều này sẽ làm hạn chế sự phát triển, quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới" - TS Lê Đăng Doanh khẳng định và cho rằng: Việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ tạo ra những “rào cản”, làm hạn chế mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia, khiến chi phí của cộng đồng doanh nghiệp hai bên phải gánh chịu sẽ cao hơn và đây chính là điều mà cộng đồng doanh nghiệp không mong muốn.
Trong khi đó, theo ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đồng nghĩa với việc xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ.
“Đặc biệt, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá” – ông Trịnh Anh Tuấn thông tin.
Việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ tạo ra những “rào cản”, làm hạn chế mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Hoa Kỳ (Ảnh: Vũ Sinh TTXVN) |
Cụ thể, khi xác định giá trị thông thường để tính biên độ phá giá, Hoa Kỳ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có nền kinh tế thị trường (nước thay thế) để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường cho phép Hoa Kỳ áp dụng thuế suất toàn quốc - là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ. Thuế suất toàn quốc thường được Hoa Kỳ tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có nên thường bị đẩy lên rất cao và được duy trì trong tất cả các đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế.
Điển hình, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đã giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá cao nhất 25,76% đối với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này trong năm 2024, trên cơ sở sử dụng giá trị thay thế của các nền kinh tế khác để xác định giá trị thông thường. Trong khi đó, đối với Thái Lan - quốc gia được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường - mức thuế này chỉ là 5,34%.
Đã có 73 quốc gia trên thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường (Ảnh: ĐT) |
Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, với 64 vụ việc, chiếm khoảng 25,4% tổng số vụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài điều tra. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2024, hàng hóa Việt Nam bị tiến hành 5 vụ điều tra phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ, chiếm 50% tổng số vụ việc phát sinh đối với Việt Nam trong 7 tháng.
Do vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, kết luận của Bộ Thương mại Hoa kỳ không công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ nói riêng và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này nói chung.
Đồng tình với những thiệt hại mà doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu khi không được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Không thể phủ nhận, trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có sự cải cách và những bước phát triển mang tính bứt phá. Thực tế, 73 quốc gia trên thế giới đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nên việc chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường chỉ là đánh giá nhất định từ phía Hoa Kỳ.
"Thời gian tới, tôi rất mong Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau để tiếp tục công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường như 73 nền kinh tế trên thế giới đã công nhận" - TS Lê Đăng Doanh thông tin thêm.
Theo Bộ Công Thương, đã có 41 tổ chức, cá nhân, hiệp hội doanh nghiệp, thương mại Hoa Kỳ bày tỏ ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, trong đó có những tổ chức, cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ như: Hiệp hội Nông nghiệp Quốc gia Hoa Kỳ (NASDA); Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham); Hồi đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC); Hiệp hội các nhà bán lẻ Hoa Kỳ… Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ để bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, nhằm cụ thể hoá mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. |