Cháy chung cư mini Khương Hạ và câu hỏi về vai trò tổ chức Đảng tại chỗ
Hậu vụ cháy chung cư mini Khương Hạ: Làm gì để nỗi đau không còn cơ hội lặp lại? Chung cư mini bị cháy khiến 56 người tử vong ở Hà Nội: Bộ Xây dựng nói gì? |
Liên quan đến vụ cháy chung cư mini Khương Hạ, ngày 15/9/2023 Thành ủy Hà Nội ra thông báo về việc lập đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức Đảng: Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân, Đảng ủy phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025.
“Việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức Đảng nêu trên nhằm làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo liên quan”, Thành ủy Hà Nội nêu quan điểm.
Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 và Kết luận số 02-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư; Luật Phòng cháy và chữa cháy; Chỉ thị số 32/CT-TTg, ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 31/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương và thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Cùng đó kiểm tra, xem xét, xử lý theo quy định đối với các tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan để xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại nhà số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.
Vụ cháy này xảy ra chỉ ít ngày trước thời điểm Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (4/10) đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền sở tại trong việc lãnh đạo chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy.
Ảnh minh hoạ |
Đặc biệt là quận Thanh Xuân có đặc thù là một trong những quận của Hà Nội tập trung cao về mật độ loại hình nhà thường được gọi là “chung cư mini”, hiện chưa được pháp luật về bất động sản và nhà ở công nhận.
Sự vào cuộc của Thành ủy Hà Nội được xem là hết sức kịp thời và kiên quyết nhằm làm rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức Đảng có liên quan để có giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.
Đảng ta nhiều lần nhấn mạnh về các phương thức lãnh đạo. Theo đó các phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng bao gồm một là, lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; hai là, lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động; ba là, lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị và bằng công tác tổ chức, cán bộ; bốn là, lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, giám sát; năm là, lãnh đạo bằng hành động gương mẫu của đảng viên.
Điều cần chú ý là các phương thức lãnh đạo này của Đảng không tách rời nhau mà gắn bó một cách hữu cơ, mật thiết với nhau.
Những năm gần đây Đảng ta có nhiều văn bản quan trọng về lãnh đạo công tác phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt là Chỉ thị 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy ngày 25/5/2015.
Cùng đó là Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.
Tại kết luận này, Ban Bí thư đã chỉ rõ, thời gian qua, một số nơi, cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, có tư tưởng xem nhẹ, chủ quan, chấp hành không nghiêm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Công tác quản lý nhà nước có lúc, có nơi bị buông lỏng; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật phòng cháy, chữa cháy chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.
Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ của nhiều địa phương, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu, hoạt động kém hiệu quả; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn nhiều bất cập, không theo kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Kết luận số 02-KL/TW đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Trong đó nhiệm vụ đầu tiên được Ban Bí thư nêu lên là “cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở địa phương, đơn vị mình; xác định phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống nếu xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn, cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn”.
Có thể thấy nội dung rất quan trọng ở đây là cần phải xác định xác định phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn, cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.
Từ bài học của vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ cho thấy, những tồn tại trong công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được chỉ ra tại Kết luận số 02 là hết sức kịp thời và cùng với việc khắc phục những tồn tại này, việc tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền với công tác phòng cháy, chữa cháy càng lúc càng trở nên cần thiết trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay.