Hậu vụ cháy chung cư mini Khương Hạ: Làm gì để nỗi đau không còn cơ hội lặp lại?
Hà Nội chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy chung cư mini Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy chung cư mini Thủ tướng thị sát, chỉ đạo khắc phục vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội |
Suốt từ hôm qua đến giờ, tôi không dám lên mạng xã hội xem tin, sau vụ cháy chung cư mini Khương Hạ ở Hà Nội.
Bởi cái ám ảnh ngọn lửa bốc từ tầng 1 lên đến tầng thượng, đám khói, những số phận người dân sống trong căn chung cư đó cứ bám riết lấy tôi, không buông tha tôi.
Ban đầu tôi chỉ mong tất cả mọi người rồi sẽ bình an sau hoạn nạn và rủi thay nếu có thì số người tử vong do ngạt khói, chấn thương ít thôi, ít thôi.
Đến tối muộn, mở mạng trên chiếc điện thoại, con số 56 người không qua khỏi hiện ra từ màn hình khiến tôi bủn rủn chân tay, không còn tin ở dòng báo vừa đọc.
Một cái tang chung quá lớn cho cộng đồng chúng ta vốn hàng ngày phải vật vã với cơm áo gạo tiền, mưu sinh, học hành.
Chung cư mini còn tiềm ẩn thảm hoạ cháy nổ (ảnh minh hoạ) |
Đủ tin rằng lực lượng chức năng tại chỗ và sau vụ cháy đã làm hết tất cả những gì có thể để giảm thiểu thương vong cho mấy trăm người dân ngụ tại cái chung cư này.
Cuộc sống còn được tiếp tục với những ai may mắn qua khỏi, nghiệt ngã thay, lại là món quà lớn nhất của số phận với họ khi không ít người thân yêu, ruột thịt đã phải ra đi trong đau đớn, tuyệt vọng.
Một người bạn tôi chuyển đến một khu chung cư dù cách nơi làm tới gần 20 cây số vẫn phải hàng ngày đi về chia sẻ cảm giác bất an từng ngự trị trong anh cùng vợ quãng thời gian mới lập gia đình phải ở trong một cái chung cư mini, dù 3 phía của ngôi nhà thoáng đãng, căn hộ nào cũng có cái ban công.
Nhưng dù có thang máy song tuyệt nhiên không có cầu thang thoát hiểm. Rủi khi có sự cố, chỉ còn biết đạp đổ tay vịn ban công và (chắc rằng) chỉ còn nước nhảy xuống đường.
Giá có thể chấp nhận được với túi tiền người ngoại tỉnh, vợ chồng son, sinh viên thuê lại gần trường, gần chợ là lý do nhiều người tìm đến chung cư mini.
Một chuyên gia bất động sản ngay sau vụ cháy bảo với tôi rằng chung cư mini thực ra là cách gọi để “né” những khâu pháp lý, giấy tờ khi ông chủ khu đất nơi xây cái gọi là “chung cư mini” đó ứng phó với chính quyền chứ thực ra gọi những cái “chung cư” ấy là nhà trọ cũng không sai.
Đã từng có không ít cảnh báo về những rủi ro hỏa hoạn, cháy nổ của cơ quan chức năng về những khu được gọi là chung cư mini ấy.
Cũng từng có nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm tại các chung cư mini. Rồi thì lại như đá ném ao bèo, đâu lại vào đấy. Và chung cư mini vẫn tiếp tục mọc lên, như một sự thách đố dư luận.
Mật độ xây dựng, mật độ tập trung người rất cao, chẳng kém gì phố cổ, ngõ vào chật hẹp, vòng vèo, người ở khu chung cư mini này có thể bắt tay với người ở chung cư mini bên cạnh.
Nhu cầu về một nơi chui ra chui vào, che nắng che mưa đã thắng được những quan ngại, những nỗi lo ẩn hiện được chủ mua bán tặc lưỡi “không sao đâu” với đa số người tìm đến cái gọi là “chung cư mini” khi không thể nào tiếp cận được dù chỉ là các dự án nhà ở xã hội, chứ đừng nói đến Mỹ Đình, Trung Hoà Nhân Chính và nhiều khu đô thị khác.
Liệu cái cảm giác, vụ việc dù đau đớn đến mấy rồi cũng nguôi ngoai, rồi cũng qua đi để mọi việc vẫn tiếp diễn theo dòng chảy cũ không?
Nỗi đau chung, cái tang chung của cộng đồng sau vụ Khương Hạ đã có thể là một câu trả lời.
Vụ việc xảy ra dù rất đau đớn nhưng dứt khoát phải là một cú huých, thậm chí là một cơ hội để các cơ quan quản lý chức năng về quy hoạch xây dựng, phòng chống cháy nổ, cứu nạn phải làm một cái gì đó để cải thiện cơ bản tình hình cũng như dứt khoát không thể chấp nhận xảy ra những vụ việc như vụ cháy chung cư mini Khương Hạ nữa.
Linh hồn mấy chục con người phải ra đi sau vụ việc có quyền đòi hỏi điều đó.
Và với những người làm báo chí truyền thông hôm nay, vụ việc cháy Khương Hạ còn như một món nợ tinh thần, rằng báo chí cũng cần làm mạnh hơn nữa trách nhiệm của mình để ai cũng có quyền được sống an toàn trong chính ngôi nhà của mình.