Chậm cổ phần hóa, thoái vốn: Cần chế tài nghiêm khắc, xem xét trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức
Cần chế tài nghiêm khắc
Liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, thống kê mới đây của Bộ Tài chính chỉ ra rằng, tính đến tháng 2/2024, đã có 77 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, gồm 14 doanh nghiệp thuộc Trung ương và 63 doanh nghiệp thuộc các địa phương.
Các đơn vị còn lại đang triển khai xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm nay, chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa và các đơn vị tiếp tục triển khai công tác thoái vốn.
Theo Bộ Tài chính, ngoài việc đẩy mạnh công tác chuẩn bị, hoàn thiện các thủ tục cần thiết phục vụ triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cũng cần xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. |
Bộ Tài chính đánh giá, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn rất chậm, không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Làm rõ các nguyên nhân đang gây "ì ạch" đối với hoạt động tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước này, Bộ Tài chính cho rằng điểm "nghẽn" đến từ những hạn chế ở khâu lập kế hoạch cho đến khâu tổ chức triển khai thực hiện, giám sát kiểm tra.
Trong đó, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.
Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra thời gian qua chưa có chế tài xử lý trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước trong việc chậm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Từ những hạn chế nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng trong năm 2024, công tác này cần phải có những giải pháp căn cơ để thay đổi tích cực hơn. Theo đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác chuẩn bị, hoàn thiện các thủ tục cần thiết phục vụ triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thì Bộ Tài chính cho rằng cần xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cần xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ, công việc liên quan; coi việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là một tiêu chí đánh giá các cơ quan, đơn vị tập thể, cá nhân liên quan.
Đồng thời, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp nhà nước cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Khi "đất vàng" không còn hấp dẫn?
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cổ phần hóa là bức tranh nhiều màu sắc, sắc thái. Do đó, không nên chỉ xét về giai đoạn, mà nhìn rộng hơn bức tranh với nhiều màu sắc tương phản, có doanh nghiệp hoạt động tốt, một số doanh nghiệp không như mong muốn để thấy rằng câu chuyện cổ phần hóa rất khó, khó lý thuyết theo kế hoạch đơn thuần.
Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Hiếu, không phải vì khó khăn mà dừng lại việc cổ phần hóa. “Cổ phần hóa đặt trong bối cảnh tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng, cần tiếp tục thực hiện. Vấn đề là phải khắc phục vùng tối và phải nhìn rộng ra mục tiêu của cổ phần hóa, đó là có những việc Nhà nước không làm mà nhường cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.
Để cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp không “lỡ hẹn”, TS. Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế cho biết, một trong những giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa là gắn trách nhiệm của người đứng đầu liên quan tới cổ phần hóa, đặc biệt là đại diện chủ sở hữu, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Vấn đề ở chỗ, nếu chưa tháo bỏ được các tiêu cực liên quan đến đất đai trong cổ phần hóa thì sẽ dẫn đến tình trạng không ai nhận trách nhiệm và cũng chẳng ai chịu làm, như thế, cổ phần hóa sẽ tiếp tục chậm.
Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nguyên nhân cơ bản nhất của việc chậm triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, khi các doanh nghiệp muốn mua vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa thường nhìn vào giá trị các khu đất “vàng”. Tuy nhiên, đến nay quy định không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê chuyển sang đất ở, tức không còn địa tô chênh lệch nên không hấp dẫn doanh nghiệp.
Tán thành ý kiến này của Bộ trưởng, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, đó chính là "sự biến tướng" của cổ phần hóa, xa rời mục tiêu cổ phần hóa đặt ra ban đầu. Đồng thời, TS. Vũ Đình Ánh cũng nhất trí quan điểm phải tách đất ra khỏi định giá doanh nghiệp khi cổ phần hóa, bởi chúng ta cổ phần hóa doanh nghiệp chứ không bán đất.
Cùng với đó, phải kiểm soát chặt vấn đề đất đai với các doanh nghiệp này. Cụ thể, sau khi cổ phần hóa thì chuyển sang hình thức cho thuê đất, nên phải quản lý về quỹ đất, nếu chỉ dựa vào việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất sẽ không ổn vì các doanh nghiệp sẽ "vẽ ra đủ thứ" để giữ lại quỹ đất của mình.
Vị chuyên gia này lưu ý thêm, đất giao cho doanh nghiệp nhà nước trước và sau cổ phần hóa thì bản chất đó là một loại tài sản công. Vì vậy, cần làm rõ vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc quản lý đối với tài sản dưới dạng là đất đai và bất động sản thuộc doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa.