Bàn giải pháp quản lý kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản
Nuôi tôm an toàn sinh học theo quy trình VietGAP mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với nuôi tôm theo kiểu truyền thống
Báo động đỏ kháng sinh trong thủy sản nuôi trồng
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm” diễn ra vừa qua, ông Kim Văn Tiêu - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Tính từ đầu năm 2014 đến tháng 9/2015, cả nước đã có gần 32.000 tấn hàng thủy sản bị trả về do nhiễm kháng sinh cấm, vi sinh và các loại tạp chất khác, cũng như vi phạm một số quy định nhập khẩu. Và chỉ tính trong quý I/2016 đã có khoảng 31 lô hàng thủy sản xuất khẩu, trong đó 10 lô vi phạm quy định về hóa chất, kháng sinh bị các đối tác như Nhật Bản, Liên minh châu Âu... báo động “đỏ”.
Theo các chuyên gia trong ngành, sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản là vấn đề không mới nhưng vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguyên nhân do môi trường ngày càng ô nhiễm, người nuôi bắt buộc phải tăng lượng kháng sinh, thuốc thú y để giảm thiệt hại. Cả nước có hơn 470 doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong đó gần 33% tập trung ở các tỉnh khu vực Nam bộ, nhưng còn nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu vệ sinh công nghiệp, thiếu đội ngũ cũng như thiết bị kiểm tra vệ sinh an toàn cho sản phẩm của cơ sở. Các chế tài trong việc kiểm tra, giám sát hiện vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, nhằm hạn chế tái diễn vi phạm từ người nuôi, đại lý thu mua, cơ sở chế biến thức ăn thủy sản, chủ tàu….
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nghệ An chia sẻ, cùng với dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, người nuôi sử dụng nhiều loại thuốc, kháng sinh để phòng trị bệnh, nhất là kháng sinh nguyên liệu có dẫn xuất từ Oxytetraxylin để trị bệnh do vi khuẩn Vibrio. Kết quả kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Nghệ An từ năm 2013-2015 trên 145 mẫu cho thấy, phát hiện 6 mẫu nhiễm một số chỉ tiêu kim loại nặng, 1 mẫu nhiễm kháng sinh cấm Chloramphenicol, 1 mẫu tôm nuôi nhiễm kháng sinh Oxytetracycline. Điều đáng mừng là từ cuối năm 2015 đến nay, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên trong vụ 1 năm 2016, có đến 90% người nuôi trên địa bàn không còn sử dụng kháng sinh.
Theo đại diện Sở NN&PTNT Thanh Hóa, nhiều người nuôi dùng kháng sinh không nắm rõ thành phần, tác dụng của thuốc, việc lựa chọn kháng sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, truyền nhau hay tư vấn của cán bộ thị trường bán thuốc thú y thủy sản. Mặt khác, trước tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng ngày càng khó khăn, tôm hay bị dịch bệnh, thống kê cho thấy, tỷ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ 30-35%, trong khi Ấn Độ, Thái Lan là trên 70%. Do đó, nhiều hộ nuôi có khuynh hướng tăng liều kháng sinh sử dụng cao hơn so với khuyến cáo, ít chú ý đến liệu trình điều trị; nhiều cơ sở trộn kháng sinh vào thức ăn liên tục trong thời gian dài, chưa chú ý yêu cầu về thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi bán, tạo ra sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Nhân rộng mô hình an toàn
Nhằm hạn chế nạn lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi an toàn. Theo đó, giai đoạn 2011-2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã được Bộ NN&PTNT giao thực hiện dự án phát triển nuôi tôm sú theo quy trình VietGAP với tổng số 21 mô hình, quy mô 21ha. Khối lượng trung bình của tôm nuôi khi thu hoạch đạt 31,13 con/kg (tương đương 32,12 g/con), đạt chỉ tiêu được giao là 30-40 con/kg; tỷ lệ sống trung bình của tôm nuôi đạt 53,32%; năng suất trung bình 5,395 tấn/ha; 100% mô hình triển khai đều đạt hơn 60% tiêu chí VietGAP.
Tiếp nối thành công trên, giai đoạn 2014-2016, Bộ NN&PTNT tiếp tục giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP. Sau 2 năm thực hiện, dự án đã xây dựng được 21 mô hình, quy mô 2 ha/mô hình đối với nuôi tôm thẻ chân trắng, 3 ha/mô hình đối với nuôi tôm sú tại 13 tỉnh đại diện cho các vùng, miền trong cả nước. Năng suất tôm sú đạt từ 2,6-3 tấn/ha; tôm thẻ chân trắng 10,6-0,7 tấn/ha. Tỷ lệ sống của tôm sú đạt 78-82%; tôm thẻ chân trắng đạt 77-79%. Ngoài ra, các cán bộ khuyến nông còn hướng dẫn bà con áp dụng công nghệ sinh học trong mô hình nuôi tôm theo VietGAP. Đây được coi là một giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu để ngành nuôi tôm công nghiệp phát triển bền vững.
Để hạn chế thấp nhất việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, bên cạnh đẩy mạnh các mô hình nuôi tôm VietGAP, ông Kim Văn Tiêu cho rằng, cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về lưu thông, phân phối, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thủy sản. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển và nhân rộng các chuỗi cung cấp thủy sản an toàn…. Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải giám sát chặt chẽ hoạt động nuôi trồng tại cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu, thường xuyên giám sát chương trình quản lý chất lượng để đảm bảo biện pháp kiểm soát hóa chất, kháng sinh phù hợp khi tiếp nhận nguyên liệu.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã thông qua kế hoạch mở đợt tổng kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng sản xuất kinh doanh trái phép và lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản trên diện rộng, nhằm quản lý ngăn chặn sử dụng kháng sinh từ khâu nhập khẩu đến sản xuất kinh doanh. |
Nguyễn Hạnh