Bài học thị trường và dự cảm trước thềm Xuân mới
Với doanh nghiệp, mối quan tâm thường xuyên liên quan đến thị trường có vẻ thuộc về những hợp đồng, đơn hàng và thời điểm đối tác “chốt đơn”. Còn với người tiêu dùng, mối quan tâm nằm ở chỗ, giá cả hàng hóa ra sao và có thể mua ở đâu?
Tuy đơn giản nhưng đó thực sự là những “bài toán” đầy hóc búa đặt ra cho cơ quan quản lý mà trực tiếp là Bộ Công Thương. Ngay cả khi thị trường trong và ngoài nước “trời yên biển lặng”, công tác đưa hai thị trường gắn kết, liên thông với nhau để cùng hỗ trợ phát triển vẫn luôn đòi hỏi sự nỗ lực cao trong điều hành thì năm 2021 với những cơn “sóng” bất lợi do dịch Covid-19 đã đặt ra cho điều hành những thách đố không nhỏ. Thị trường vốn luôn biến ảo nay lại càng biến ảo khôn lường với không ít những bất lợi, bất trắc. Có cả những diễn biến chưa từng có tiền lệ, chưa từng được ghi nhận.
Xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2021 |
Nhưng “sóng cả” không làm núng được tay chèo. Trong năm 2021, công tác bảo đảm thị trường trước những diễn biến của dịch Covid-19 đã được lãnh đạo Bộ Công Thương cùng các đơn vị chức năng đẩy lên mức cao chưa từng có. Đầu tiên là do có sự theo dõi, bám sát chặt chẽ nên ngay khi thị trường “trở gió” cũng là lúc những giải pháp điều hành ngay lập tức triển khai từ trung ương đến cơ sở, đi thẳng vào điểm nóng.
Đó là việc thành lập các tổ công tác, ban chỉ đạo đặc biệt mang các sứ mệnh tiền phương với mục tiêu cao nhất trong bảo đảm hàng hóa, nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất, xuất khẩu và hàng hóa cho đời sống nhân dân.
Thậm chí, hàng loạt các đề xuất ngay từ đầu không dễ gì được chấp thuận, chứ chưanói đến chuyện thực thi. Như việc phải duy trì cho được kênh chợ truyền thống hay những đề xuất về thế nào là hàng hóa thiết yếu; những người lang thang cơ nhỡ, công nhân, lao động khu công nghiệp hay ngoài cửa khẩu có được coi là đối tượng ưu tiên để tiêm vắc - xin hay không?
Thực tiễn trong vai trò người kiểm chứng đã cho thấy tính tích cực khi những đề xuất của Bộ Công Thương được chấp thuận và đi vào cuộc sống. Đó là việc kịp thời chuyển hướng tiêu thụ hàng nông sản tại thị trường trong nước, mà nhiều người vốn coi đây thực sự là “cú bẻ lái” ngoạn mục để nền nông nghiệp đi qua “mùa giông bão” của thị trường. Hay hành động kịp thời đổi mới xúc tiến, kết nối thương mại theo theo hình thức trực tuyến, để doanh nghiệp và đối tác tuy “tay chẳng bắt song mặt vẫn mừng”. Và dù trong “bão” dịch, vẫn tạo ra cơ hội, cơ duyên thúc đẩy giao thương. Xa hơn là khai thác những tiềm năng, cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Thị trường cơ bản được đảm bảo thông từ trong nước ra tới các cửa khẩu. Đặc biệt trong khó khăn, thị trường trong nước và cả thị trường xuất khẩu vẫn sáng lên giá trị, vẻ đẹp, tính bền vững của hàng Việt mà như có chuyên gia nói, sự tươi ngon của nông sản tới vụ như làn gió mát xua đi cái nóng hầm hập của thị trường.
Nói hiệu quả là bởi các giải pháp điều hành thị trường trong nước cũng như xuất khẩu đã đem lại “trái ngọt”. Dễ nhận thấy nhất là hàng hoạt con số tăng trưởng rất khích lệ về xuất khẩu, chỉ số tăng trưởng công nghiệp. Những giá trị đem lại đã được nhận rõ, trả lại đúng vị trí; cơ quan điều hành tự tin hơn, bài bản hơn, doanh nghiệp gắn kết hơn với tín hiệu của thị trường.
Doanh nghiệp bán lẻ chung tay cùng cơ quan quản lý đưa hàng đến với người tiêu dùng trong “bão” dịch |
Nói căn cơ còn ở chỗ câu chuyện xuất khẩu chính ngạch được Bộ Công Thương kiên trì theo đuổi đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn phải cần đến thời gian để xoay chuyển thói quen tiểu ngạch. Nhưng lợi ích của xuất khẩu chính ngạch đã rõ, đó là bản lề để tạo nên sự tăng trưởng vững chắc cho những năm tới đây.
Một yếu tố căn cơ nữa là những giải pháp điều hành thị trường của Bộ Công Thương trong năm 2021 cho thấy sự đổi mới và sáng tạo – nền tảngquan trọng cho những năm sắp đến. Chính bởi thế, với những giải pháp thị trường năm vừa qua, ngành Công Thương đã có một năm thực sự là năm kinh tế số.
Khí thế mới, xung lực mới
2021 là một năm đặc biệt với ngành Công Thương, không chỉ bởi là năm ngành Công Thương tròn 70 năm đồng hành cùng đất nước mà còn ghi những dấu ấn đặc biệt trong điều hành để cùng cả nước vượt “bão” Covid-19, thu “trái ngọt” tăng trưởng. Và những dự cảm bên thềm Xuân Nhâm Dần 2022 cũng đang dần hé lộ từ những dấu ấn khó quên của một năm như thế.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ Khởi động chuyên mục “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” trên VTV1, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của chương trình trong bối cảnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại số |
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét, ngành Công Thương có đổi mới thì kinh tế đất nước mới đổi mới. Đó là một nhận xét khá xác đáng. Nói xác đáng là bởi như đánh giá của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng tại hội nghị nói trên, ngành Công Thương chịu những tác động của kinh tế thế giới, thị trường thế giới rõ nhất trong số các cơ quan quản lý nhà nước.
Một trong những điều được cảm nhận rõ nhất của năm 2021 là ổn định và tăng trưởng phải từ thị trường trong nước đi ra và đi lên. Đó hẳn là một “cẩm nang” hành động cho năm 2022.
Các biện pháp phòng vệ thương mại được triển khai nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các ngành sản xuất trong nước |
Bài học về sự đổi mới quyết liệt cùng thích ứng nhanh, linh hoạt, có hiệu quả trong tư duy điều hành của năm 2021 chắc chắn là bài học bổ ích cho năm 2022. Bởi trong một năm phát triển mang tính bản lề như năm 2022, bên cạnh những thuận lợi cùng đà tăng trưởng chúng ta đã có được, vẫn có thể nói rằng phía trước là một năm không phải hoàn toàn dễ dàng cho phát triển, cho tăng trưởng. Nhất là khi dịch Covid-19 vẫn còn đó.
Ở một nền kinh tế mà độ mở lớn như Việt Nam, những xu thế của kinh tế, thương mại, thị trường thế giới rõ ràng là sẽ “phả” sức nóng từ những cuộc cọ sát, cạnh tranh. Ở đây đáng chú ý hai xu thế. Một là cấu trúc thương mại thế giới đang có những thay đổi rõ rệt đến mức chóng mặt. Thay vì sân chơi “cổ điển” như WTO, đã xuất hiện nhiều sân chơi mới của các nhóm nước cùng nhiều thỏa ước thương mại mới, tạo ra những lực “hút” không chỉ có những lấp lánh thị trường mà còn mang màu sắc lợi ích địa chính trị rõ rệt trên các thị trường được tạo dựng bởi các “hội, nhóm” này. Xu thế thứ hai, mà cũng là hệ quả của xu thế trên, là xuất hiện và gia tăng việc “hướng nội”. Theo đó, an ninh hóa, “vũ khí” hóa và đáng quan ngại nữa là chính trị hóa vấn đề thương mại, trong đó có cả vấn đề thị trường.
“Sức nóng” của những cọ sát đó đòi hỏi công tác điều hành, dự báo, nắm thông tin thị trường sẽ phải chính xác hơn, giải pháp đưa ra phải linh hoạt hơn nữa; thị trường, đối tác cần đa dạng hơn. Rồi đây, bên cạnh những thị trường lớn, truyền thống thì những thị trường ngách, những phân khúc bị “ngó lơ” lâu nay cần được quan tâm hơn.
Vai trò của công tác phòng vệ thương mại cần được đề cao hơn những năm trước. Đây không chỉ là bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp, sự lành mạnh của thị trường mà còn là việc làm, an sinh của hàng vạn lao động Việt Nam.
Đa dạng hình thức hỗ trợ tiêu thụ nông sản |
Phòng vệ thương mại không chỉ có ở xuất khẩu mà còn ở cả nhập khẩu. Thế nên, với xuất khẩu rất cần cơ chế cảnh báo sớm với những mặt hàng vào “tầm ngắm” của các biện pháp phòng vệ cùng kịch bản ứng phó. Với nhập khẩu cần chú ý hoàn thiện quy định về phòng vệ thương mại cho bối cảnh mới và hợp tác với đối tác nhập khẩu. Vai trò của doanh nghiệp như là chủ thể tác động chính cần được phát huy tối đa trên cơ sở có sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan quản lý trong và ngoài nước.
Nói như vậy để thấy rằng, bước sang năm mới 2022, niềm tin, kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân đối với Bộ CôngThương sẽ lớn hơn. Đó là sự kỳ vọng về sự hỗ trợ, đồng hành từ cơ chế, chính sách đến các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại ở cả thị trường trong và ngoài nước, phòng vệ thương mại với các mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam.
Nhiệm vụ đã có, mục tiêu, giải pháp đã rõ. Ở một năm như năm 2021 thì 365 ngày trong năm chính là tiền đề căn cốt cho một năm tăng trưởng 2022 mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.
Chúng ta không chỉ tin mà sẽ bắt tay ngay vào hành động. Có thể sẽ phải quyết liệt hơn, linh hoạt hơn khi thời gian, thực tiễn không cho phép được chậm trễ. Đó là phương châm cũng lại là sự khẳng bên thềm Xuân trước lộ trình phát triển mới của đất nước.