9 dự án carbon thấp nào tại Việt Nam được Chính phủ Anh tài trợ 11,8 triệu bảng?
Chính phủ Anh kêu gọi các trường chú trọng môn toán, khoa học Khởi động Dự án Tài trợ mổ tim cho trẻ em nghèo và đầu tư giáo dục |
Các dự án carbon thấp đầu tiên tham gia CFA, bao gồm: Blue Planet Environmental Solutions: Sản xuất khí sinh học từ rơm thông qua hệ thống ủ khô.
Control & Automation Solutions (CAS) chia thành 2 gói. Thứ nhất là dự án canh tác tuần hoàn trên mái nhà; thứ hai là dự án trang trại điện mặt trời - nông nghiệp tuần hoàn, tập trung vào việc triển khai các nhà kính công nghệ cao sử dụng năng lượng tái tạo từ mặt trời và chất thải sinh học ở các vùng nông thôn.
Trang trại điện mặt trời - nông nghiệp tuần hoàn được Chính phủ Anh quan tâm (Ảnh minh họa) |
Dat Bike: Hãng xe mô tô điện nội địa đầu tiên của Việt Nam nhằm hướng đến sản xuất xe mô tô điện hiện đại, công nghệ cao cho thị trường đại chúng và phát triển cơ sở hạ tầng các trạm sạc pin bằng năng lượng mặt trời.
Deep C Green: Mở rộng việc lắp đặt và vận hành các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của những đơn vị thuê địa điểm trong khu công nghiệp.
Egreen Technology JSC: Dự án hệ thống máy phát điện chạy bằng khí sinh học.
Công ty cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình với dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại và kinh doanh chất thải, sản phẩm sau tái chế.
Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Điện 4 với dự án tập trung xử lý, tái sử dụng tro bay từ nhiệt điện than để sản xuất gạch bê tông khí chưng áp và các loại gạch không nung khác, thay thế gạch đất sét nung truyền thống.
Công ty cổ phần vật liệu bền vững Việt Nam với dự án triển khai các biện pháp canh tác bền vững và nhằm mục đích tăng giá trị kinh tế của chuỗi giá trị tre ở Tây nguyên.
VRB Energy, một nhà sản xuất Vanadium Flow Battery (VFB). Pin Vanadium được lưu trữ bằng cách sử dụng chất lỏng để lưu trữ năng lượng pin tích hợp quy mô lớn, từ đó thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi hơn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
Chương trình này là một trong những nỗ lực của Chính phủ Vương quốc Anh nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP 26 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tổng vốn đầu tư 9 dự án carbon thấp tại Việt Nam đang tìm kiếm là khoảng 500 triệu USD.
Các dự án nêu trên được đánh giá có tiềm năng mang lại lợi ích cho cộng đồng. Điển hình như dự án Blue Planet Environmental Solutions - Sản xuất khí sinh học từ rơm thông qua hệ thống ủ khô. Đây là 1 trong số 9 dự án carbon thấp tham gia CFA Việt Nam sẽ được kết nối với hơn 30 nhà đầu tư trên toàn cầu vào tháng 5 tới.
Ông Nick Wade - Giám đốc phát triển kinh doanh dự án Blue Planet Environmental Solutions Việt Nam - cho biết: Đây là giải pháp cắt giảm chi phí cho các hộ nông dân, đồng thời làm giảm ô nhiễm môi trường khi họ không đốt rơm nữa. “Chúng tôi đang kêu gọi vốn đầu tư ít nhất 5 triệu USD để thiết lập khoảng 125 điểm xử lý rơm trên khắp Việt Nam, dự kiến xử lý được 75.000 tấn rơm rạ mỗi năm. Qua đó tạo ra 15.000.000 mét khối khí sinh học và hơn 75.000 tấn phân bón hữu cơ", ông Nick Wade chia sẻ.
Để nâng cao năng lực của các dự án, chương trình CFA không trực tiếp hỗ trợ tài chính, các chuyên gia sẽ làm việc với 9 dự án để đưa ra lời khuyên về kỹ thuật, mô hình tài chính hay các tài liệu sử dụng để kêu gọi đầu tư; nâng cao năng lực và cơ hội thu hút dòng vốn xanh. Tiêu chí đầu tiên là tiềm năng giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, các dự án được chọn phải được thiết kế để đạt được các kết quả khí hậu có thể đo lường được, dựa trên lượng phát thải khí nhà kính cắt giảm được.
Bên cạnh đó, dự án phải có quy mô lớn, có nhu cầu huy động vốn tối thiểu 5 triệu USD. Dự án ở mức độ sẵn sàng, ít nhất là ở giai đoạn tiền khả thi và đang tìm kiếm đầu tư.
Sau khi kết thúc quá trình đào tạo 2 tháng rưỡi để nâng cao năng lực, các dự án sẽ gặp trực tiếp các nhà đầu tư là các đơn vị tài chính từ mạng lưới toàn cầu của Công ty Kiểm toán PwC và các đối tác.
Theo một báo cáo của World Bank, tính đến năm 2040, nhu cầu về vốn của Việt Nam để chuyển đổi hiệu quả nền kinh tế, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 là 368 tỷ USD. Khoản tiền lớn này không thể đến hoàn toàn từ khu vực công, mà ít nhất một nửa trong số đó phải đến từ khối tư nhân.