Xuất siêu quay trở lại, cán cân thương mại dần được cải thiện
Xuất siêu hơn 13 tỷ USD sang thị trường EU Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 313 tỷ USD |
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước tính đạt 53,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 9/2021 đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tháng 9 là tháng thứ hai cả nước có kim ngạch xuất khẩu suy giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu suy giảm là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Xuất khẩu hàng hoá vẫn còn gặp nhiều khó khăn |
Thời gian vừa qua, 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã đẩy mạnh áp dụng Chỉ thị 16 để phòng chống dịch. Việc này đã khiến hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn khi khu vực này chiếm đến 45% giá trị xuất khẩu của cả nước, tương đương khoảng 9.000 tỷ đồng xuất khẩu mỗi ngày. Nhiều doanh nghiệp thuộc khu vực 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã buộc phải đóng cửa, dừng sản xuất do không thể đáp ứng được các yêu cầu như “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Nhiều doanh nghiệp khác vẫn duy trì được sản xuất và tiếp tục xuất khẩu nhưng phải chịu chi phí tăng cao do áp dụng ăn nghỉ tại chỗ, chi phí xét nghiệm… Những khó khăn do nhiều doanh nghiệp trong cùng chuỗi cung ứng phải dừng sản xuất cũng khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn.
Dù có kim ngạch suy giảm trong 2 tháng liên tiếp song tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vẫn ước tính đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước đã có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chỉ rõ, kết quả khả quan của xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm là do nỗ lực rất cao của các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương để duy trì sản xuất, xuất khẩu. Cụ thể, trong khi nhiều tỉnh phía Nam gặp khó khăn thì doanh nghiệp thuộc những trung tâm xuất khẩu rất lớn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu, giúp bù đắp một phần khó khăn của khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Giao thông vận tải đã rất quyết liệt giải quyết khó khăn cho lưu thông hàng hoá xuất khẩu. Đặc biệt, đảm bảo giữ an toàn cho tất cả các cửa ngõ xuất khẩu như các cảng biển, cửa khẩu xuất khẩu chính của cả nước.
Ở chiều ngược lại, về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Chín đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 36 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,13 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu có thể vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là TP Hồ Chí Minh đang có kế hoạch dần dần mở cửa lại nền kinh tế thành phố. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp thành phố dần phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, với vai trò là địa phương quan trọng bậc nhất trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Nam, việc mở cửa lại nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh sẽ giúp cho các địa phương lân cận có điều kiện đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá.
Về thị trường, cơ bản hiện nay không có biến động gì. Sức mua của thị trường thế giới vẫn ổn định, thậm chí đây là thời điểm thị trường các nước đang tích cực nhập hàng để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. Do vậy, các doanh nghiệp được trở lại sản xuất sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó, giúp doanh nghiệp có dòng tiền để trang trải các chi phí, kêu gọi người lao động trở lại làm việc, chạy đua để hoàn thành các đơn hàng bị chậm muộn, giữ chân được khách hàng để có hợp đồng mới.
Trên cơ sở sơ bộ tình hình xuất khẩu những tháng đầu năm, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ giao (4-5%) và vượt mục tiêu Kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương tại Quyết định số 163/BCT-KH ngày 19/1/2021 (4-5%).
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)