Kinh tế số Việt Nam: Thời cơ vàng, thách thức lớn
Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong ASEAN Phát triển thương mại điện tử, tạo động lực xây dựng nền kinh tế số |
Hạt nhân hay cái “cốt lõi” của CMCN 4.0 chính là chuyển đổi số - quá trình thay đổi về chất, toàn diện về cách sống, cách làm việc, quản trị và phương thức sản xuất của cả xã hội cho đến tổ chức, cá nhân dựa trên và gắn cùng với sự phát triển công nghệ số.
Thời cơ vàng, thách thức lớn
Thuật ngữ “kinh tế số (digital economy)” xuất hiện ngay vào đầu những năm 1990. Có không ít định nghĩa về kinh tế số cùng cách thức đo lường. Nói đơn giản, kinh tế số là hoạt động kinh tế trên môi trường số với các công nghệ số. Và như vậy nó đi cùng với những bước nhảy vọt của công nghệ số (trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, Internet vạn vật) và công cuộc chuyển đổi số.
Kinh tế số có thể có ý nghĩa to lớn trong mở rộng quy mô, tăng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng nhờ công nghệ và sáng tạo, tăng cường hiệu qủa phân bổ nguồn lực, cả trong sản xuất kinh doanh và cả trong đầu tư, tiêu dùng, thương mại. Kinh tế số và kinh tế tuần hoàn là hai nền tảng quan trọng hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Hơn thế, kinh tế số còn được nhìn nhận như một phương thức sản xuất với nguồn lực, hạ tầng, cách thức/mô hình vận hành kinh doanh và cấu trúc kinh tế mới. Bên cạnh các nguồn lực truyền thống như vốn, lao động, tài nguyên, một nguồn lực phát triển mới là tài nguyên số, của cải số, và do vậy, kinh tế số còn được xem là kinh tế dựa trên dữ liệu (data-driven economy).
Cơ hội phát triển rộng mở. Tuy nhiên, thách thức của quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số cũng rất lớn. Trước hết là câu chuyện về “nghịch lý năng suất thời chuyển đổi số” (Rotman 2018; APEC Policy Support Unit 2018). Mức tăng năng suất ở hầu hết các nước giàu trên thế giới và nhiều khu vực như APEC có xu hướng giảm ngay trong thời của Internet, Facebook, Google, điện thoại thông minh,… Vấn đề nằm ở chỗ: hiện thực hóa cơ hội mới là điều chủ chốt. Lợi ích không tự động đến cùng sự xuất hiện công nghệ, ngay cả công nghệ đột phá.
“Nghịch lý năng suất thời chuyển đổi số” đòi hỏi cách tiếp cận mới về thể chế, chính sách. Không phải ngẫu nhiên, chuyển đổi số trước hết được xem là cuộc cách mạng về thể chế. Trong bài viết về kinh tế học dữ liệu, Ciuriak (2018) nhấn mạnh:
Chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ vượt xa sự phát triển của chính sách dựa trên kinh nghiệm, làm tăng cả rủi ro kinh tế xã hội và cả những thách thức quản lý kinh tế xã hội.
Kinh tế dựa trên dữ liệu khác cơ bản so với những gì đã thấy trước đó, và vì vậy cần phải đổi mới các tài khoản kinh tế cũng như các mô hình kinh tế vẫn được sử dụng để phục vụ hoạch định chính sách, cùng kết hợp với những thử nghiệm trong thiết kế khung khổ pháp lý
Khái quát lại, theo Ciuriak (2018), kinh tế số/kinh tế dựa trên dữ liệu có những đặc trưng sau:
• Bất đối xứng thông tin mang tính phổ biến;
• Công nghiệp hóa việc học tập thông qua AI;
• “Người thắng cuộc lấy tất cả”, dẫn đến sự ra đời các “công ty siêu sao”;
• Các hình thức mới trong trao đổi thương mại phát sinh trong khi hệ thống hạch toán kinh tế truyền thống chưa nắm bắt được;
• Rủi ro có tính hệ thống do tính dễ bị tổn thương trong kết cấu hạ tầng thông tin.
Kinh tế số/kinh tế dựa trên dữ liệu, chính vì vậy, được xem như một quá trình không chỉ bao gồm những phát triển mới của điều đã biết, mà còn chứa đựng nhiều điểm bất thường, “kỳ dị” (singular points) với nhận thức, tư duy quen thuộc. Makiyama (2019) đưa ra bốn vấn đề thách thức chính sách trong thời chuyển đổi số, nhất là đối với các mô hình kinh tế mới như kinh tế nền tảng, bao gồm: chính sách cạnh tranh; chính sách công nghiệp/chính sách ngành; chính sách tài khóa, nhất là chính sách thuế; nghĩa vụ pháp lý trung gian; và quyền riêng tư.
Đây chính là nhóm thách thức “xây mới” của thời chuyển đổi số. Nó có thể bắt nguồn từ chính cơ hội phát triển, nhưng xã hội không đủ năng lực (con người, bộ máy nhà nước, công nghệ, tài chính,…) để chuyển hóa cơ hội thành lợi ích phát triển hiện thực. Công cuộc “xây mới” đòi hỏi một lượng không nhỏ vốn tài chính và cả nguồn lực vật chất, đặc biệt là nguồn nhân lực. Nhóm thách thức nữa của quá trình chuyển đổi là nhóm thách thức “thoát cũ”, có được cách ứng xử thích hợp với kiến trúc trên nền tảng toàn bộ của cải, năng lực, lợi ích, thói quen đã xây đắp qua thời gian dài. Cả bộ máy nhà nước cùng hệ thống quyền lực vốn có cần được cải tổ. Đây luôn là công việc khó khăn. Xã hội và nền kinh tế càng phát triển, hệ thống cũ càng đồ sộ, chi phí chuyển đổi sẽ càng lớn.
Đi cùng với đó là đòi hỏi phải hạn chế, giảm thiểu những rủi ro có thể phải đối mặt. Trước hết là rủi ro xã hội. Việc áp dụng công nghệ mới (như AI, robot) có thể dẫn đến tình trạng mất việc làm với đông đảo người lao động. Ngay cả khi nhiều việc làm mới có thể được tạo ra thì nhóm lao động kỹ năng thấp vẫn dễ bị gạt ra bên lề xã hội, đào sâu thêm hố bất bình đẳng và gây xung đột xã hội.
Một rủi ro nữa cũng được đề cập nhiều là rủi ro mạng đứt gãy, các hệ điều hành bị tấn công và nguy cơ lan truyền của nó. Cùng với đó là những nguy cơ của một xã hội với sự hiện diện của AI. AI đang ngày càng hoàn thiện và con người cần ứng xử với AI như một thực thể có cả trí lực, thể lực, tâm lực hay chỉ như “cỗ máy thông minh” được sử dụng để phục vụ con người. Mô hình GPT (như ChatGPT) được xem như bước tiến có vai trò quan trọng không kém sự ra đời của internet hay smartphone. Cùng với đó, như cha đẻ của ChatGPT cũng lưu ý, công nghệ này cũng có thể là mối “đe dọa nguy hiểm” đối với con người. Về nguyên lý, khi quá trình phát triển phát sinh những rủi ro mới, thì loài người cũng tạo ra những công cụ phòng ngừa, khắc chế hữu hiệu hơn. Vấn đề là ở chỗ chi phí phòng ngừa, khắc chế tổn thất do các loại rủi ro mới gây ra có thể rất lớn.
Câu chuyện Việt Nam
Công cuộc Đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đã mang lại diện mạo mới cho đất nước Việt Nam. Việt Nam đã có những chuyển biến kinh tế-xã hội sâu sắc, tích cực. Song thành công hôm qua chưa phải là đảm bảo cho thành công hôm nay và ngày mai. Đó là chưa nói đến bản thân quá trình cải cách, phát triển cho đến nay vẫn ẩn chứa trong đó không ít vấn đề về thể chế kinh tế, chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững. Nguy cơ “rơi vào bẫy thu nhập trung bình” vẫn hiện hữu. Việt Nam đang thực sự ở thời điểm có tính bước ngoặt trong phát triển. Với “tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới”, VN đặt ra mục tiêu phát triển: đến 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây chính là khát vọng “bắt kịp”, “tiến cùng” thời đại của VN.
Câu hỏi day dứt ở đây là liệu kinh tế Việt Nam có bứt tốc trong bối cảnh CMCN 4.0 và chuyển đổi số? Nhiều nghiên cứu định lượng (CIEM 2019; Cameron và cộng sự 2020) cho thấy tác động của CMCN 4.0 và công cuộc chuyển đổi số đến kinh tế về tăng trưởng, năng suất,.. là rất có ý nghĩa. Nó vẫn diễn ra nhờ sự vận động của thị trường, song sẽ có đóng góp lớn hơn nhiều khi Việt Nam có những cải cách cần thiết, đủ mạnh và thích ứng được với bối cảnh mới.
Việt Nam xem CMCN 4.0 và chuyển đổi số như là một cơ hội lịch sử để tạo bứt phá phát triển. Ý chí chính trị của Việt Nam đã và đang được chuyển hóa thành phương hướng chiến lược và các chương trình hành động quốc gia. Tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Nghị quyết số 52-NQ/TW tháng 9/2019 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh: Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Quyết định sô 749/QĐ-TTg tháng 6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Chương trình đã được cụ thể hóa với việc ban hành các chiến lược phát triển kinh tế sô, chính phủ số, xã hội số,.. Đến năm 2022, các tỉnh, thành phố đều đã lồng ghép chương trình chuyển đổi số vào quy hoach thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Không chỉ vậy, một loạt các chương trình về xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch thông minh, xây dựng đô thị thông minh, lập nghiệp – khởi nghiệp sáng tạo được nhiều bộ ngành và tỉnh thành trong cả nước triển khai. Chúng cũng đã thu được những kết quả tích cực nhất định.
Hiện kinh tế số đã có đóng góp phần quan trọng cho kinh tế Việt Nam với hơn 30.000 doanh nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số và các dịch vụ ICT. Doanh nghiệp Việt Nam chứng tỏ được năng lực công nghệ số; một số đã thực hiện nhiều Dự án PoC công nghệ cao (xe tự lái, robot, AI), tham gia hỗ trợ chuyển đổi số cho nhiều tập đoàn có tên tuổi lớn như Airbus, Boeing, UPS, GE,… và là đối tác lớn thứ hai của Nhật Bản trong tham gia nghiên cứu, phát triển các dự án công nghệ về AI, blockchain, robot, IoT, thương mại điện tử. Kinh tế nền tảng, nhất là kinh tế chia sẻ cũng nổi lên. Bức tranh tương tự có thể thấy trong lĩnh vực fintech. Bên cạnh đó, bảo hiểm công nghệ (insurtech), tài sản công nghệ (wealthtech), công nghệ cho vay ngang hàng (P2P) thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Kinh doanh với nội dung số (quảng cáo trực tuyến; trò chơi trực tuyến…) cũng lên ngôi.
Đáng nói hơn là công nghệ cao và “số hóa” đã lan tỏa đáng kể trong cộng đồng doanh nghiệp, tạo cơ hội “lớn lên” cho tất cả những ai biết “tư duy lại, thiết kế lại, và xây dựng lại”. Nhiều tập đoàn khẳng định sẽ thực sự là tập đoàn số. Theo khảo sát của Cameron và cộng sự (2019), có tới 85% doanh nghiệp công nghiệp chế tác và 70 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng ICT trong quản trị, quản lý khách hàng. Hàng trăm nghìn SMEs, hàng chục ngàn người trẻ đang dấn thân “khởi nghiệp sáng tạo”. Trong đại dịch Covd-19, theo khảo sát của Tổng cục thống kê (tháng 9/2020) khoảng 1/3 doanh nghiệp có đầu tư công nghệ số để chuyển đổi mô hình kinh doanh, cách thức quản trị.
Tuy nhiên, tính “phong trào” thiếu thực chất còn cao; việc triển khai các chiến lược, chương trình chuyển đổi số chưa thực sự quyết liệt. Kết quả nhìn chung chưa được như mong đợi. Chỉ cần đề cập tới một chỉ số hết sức quan trọng cho phát triển là năng suất lao động (NSLĐ). Theo báo cáo của CIEM (2022), NSLĐ của Việt Nam được cải thiện trong giai đoạn 2011-2021, song tốc độ tăng NSLĐ chỉ đạt 6,0%/năm, thấp hơn đáng kể mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo đến 2030 là 6,5% - 7,0% và lại có xu hướng chậm lại ngay vào năm 2019 (năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, NSLĐ chỉ tăng trưởng tương ứng 5,0% và 3,8%. Vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng quan trọng của đất nước, dù đứng vị trí số 1 về NSLĐ theo con số tuyệt đối, nhưng tốc độ tăng NSLĐ lại thấp, thậm chí thấp nhất trong sáu vùng kinh tế trong các năm 2019, 2020 và 2021 (4,3%, 3,7% và 3,1%). Năm 2022, tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra đều được hoàn thành, trừ chỉ tiêu tăng NSLĐ, chỉ đạt 4,8% so với mục tiêu 5,5%.
Cũng đã có không ít nghiên cứu, báo cáo đưa ra những kiến nghị để đưa Việt Nam đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, tạo bứt phá tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội. Về cơ bản, đó là trong tiến trình chung của sự nghiệp Đổi Mới, xây dựng thị trường hiện đại, hội nhập sâu rộng và một nhà nước kiến tạo, cần phải tạo dựng những nền tảng cho một hệ thống kinh tế mới về chất; bao gồm:
- Cải cách thể chế, nhất là việc thiết lập quy chế điều tiết kinh tế số; tạo không gian cho sáng tạo công nghệ, cách thức vận hành kinh doanh mới. Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý về dữ liệu và chia sẻ dữ liệu, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, thương mại, thuế… phù hợp với những đặc trưng của chuyển đổi số và kinh tế số có ý nghĩa rất quan trọng.
- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với việc ban hành và thực thi các chính sách khuyến khích sáng tạo, startups. Nhanh chóng xây dựng “sandbox” để tạo hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo (như edtech, fintech, ngân hàng số…). Tổng thể hơn, cần tạo dựng Hệ thống sáng tạo quốc gia (NIS) lấy doanh nghiệp làm trung tâm cũng như các trung tâm sáng tạo quốc gia với thể chế vượt trội.
- Phát triển nguồn nhân lực thông qua: đổi mới hệ thống giáo dục tạo kỹ năng mới, trải nghiệm mới, nhất là ở bậc đại học và dạy nghề; phát triển nhân lực ICT và nhân lực số, cả đại chúng, kỹ sư chuyên nghiệp và lực lượng “tinh hoa”; thu hút nhân tài gắn với hình thành mạng kết nối tài năng, tri thức trên thế giới; đào tạo lại tư duy và kỹ năng cho cán bộ, công chức bộ máy Nhà nước).
- Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số, trong đó có: hạ tầng viễn thông chất lượng cao, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thiết bị và ứng dụng; các nền tảng (platforms) phục vụ chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân; và việc đảm bảo an toàn an ninh mạng.
- Phát triển lực lượng doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số. Thắng, thua, thành bại triển trong CMCN 4.0 và chuyển đổi số cũng ở doanh nghiệp. Vấn đề then chốt hiện nay là làm sao doanh nghiệp Việt Nam thực sự lớn lên được và trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước. Trong bối cảnh mới, nỗ lực tự thân của doanh nghiệp cùng cách hỗ trợ thích hợp, thiết thức của nhà nước có ý nghĩa quyết định để doanh nghiệp ngày càng trưởng thành.
Trên nguyên tắc cạnh tranh, đảm bảo cam kết quốc tế, chính sách hỗ trợ các tập đoàn, công ty phải là “hỗ trợ người thắng cuộc” (qua kết quả thị trường phản ánh) chứ không phải là “lựa chọn người thắng cuộc”. Rào cản cho sự lớn mạnh của khu vực tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), như Báo cáo Việt Nam 2035 đã chỉ ra, còn nhiều. Đó là những yếu kém trong đảm bảo quyền tài sản, một “sân chơi” cạnh tranh không công bằng, sự méo mó của các thị trường nhân tố sản xuất (vốn, đất đai, lao động, công nghệ) cũng như việc tiếp cận khó khăn các nguồn lực đó, và chi phí giao dịch cao.
Trở ngại còn nằm ở chính sự yếu kém của bản thân doanh nghiệp cả về hiểu biết pháp luật và thị trường, tầm nhìn phát triển và đặc biệt là khả năng kết nối, hợp tác trong sản xuất kinh doanh và trong mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng chính là những “yếu huyệt” mà chính sách phải hướng tới trong hỗ trợ SMEs. Xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp và gián tiếp phù hợp (như: giảm thuế thu nhập cho lao động kỹ năng cao; giảm thuế cho chi phí R&D; tạo thuận lợi tiếp cận vốn cho doanh nghiệp có trải nghiệm tốt về sáng tạo được chứng thực).
Sáng tạo luôn gắn với cá nhân, và trong nhiều trường hợp bắt nguồn từ chính SMEs và các startups. Tinh thần kinh doanh vô cùng quan trọng, nhưng chưa đủ; rất cần một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả, trong đó đặc biệt lưu ý đến vai trò then chốt của vốn đầu tư mạo hiểm, tư vấn có kinh nghiệm và những “vườn ươm công nghệ”/trung tâm sáng tạo kết nối tốt bộ ba hỗ trợ tài chính - R&D - thiết lập mạng lưới hợp tác. Cùng với đó là việc bảo đảm tốt quyền sở hữu trí tuệ và thiết lập những quy chế/điều tiết tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia |
Thay cho lời kết
Tri thức, dữ liệu thực sự là “mỏ vàng” vô biên mà thế giới đã, đang và sẽ tạo ra. Cơ hội nằm ở đây. Song đây là “mỏ vàng” với cấu trúc, cách lưu trữ khai thác và kết nối đặc biệt. Nhận thức đúng và đầy đủ giá trị của nó đã khó, khai thác nó phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển cũng không đơn giản. Đó chính là thách thức.
Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong thời đại CMCN 4.0 và chuyển đổi số là một quá trình chuyển đổi khó khăn, đòi hỏi đồng thời cả ‘thoát cũ” và “xây mới”. Điều này đúng với Việt Nam – đang ở vào thời điểm phát triển có tính bước ngoặt, với khát vọng “bắt kịp” và “tiến cùng” thời đại. Tiềm năng phát triển lớn; Việt Nam đang sở hữu những tiền đề cơ bản, dù chưa đầy đủ và hoàn chỉnh, để thực hiện CMCN 4.0, thúc đẩy kinh tế số, tạo đột phá tăng trưởng và phát triển. Trở ngại về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực, và khiếm khuyết của bản thân doanh nghiệp là không nhỏ, song Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục, giảm thiểu được chúng.
Kinh nghiệm hơn 35 năm Đổi Mới, cải cách và hội nhập với biết bao thăng trầm, là minh chứng sinh động nhất để khẳng định điều đó. Trong bối cảnh mới, tự tin, tư duy khoa học, cách tiếp cận thực tiễn là cần, song chưa đủ. Chúng ta cần cả tốc độ và do vậy, phải quyết liệt, cả trong nhận thức, cả trong hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng chính sách và nhất là trong hành động.