Tổng cục Thống kê: Nâng lương cơ sở sẽ không đẩy CPI tăng đột biến
CPI tăng nhẹ 0,1% nhờ nguồn cung hàng hóa dồi dào dịp Tết Nguyên đán GDP quý 1-2020 tăng 3,82%, CPI tăng 5,56% |
Tháng 6/2023 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Theo bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là những nguyên nhân chính làm CPI tăng.
CPI bình quân quý II/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,03%; giáo dục tăng 5,81%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,51%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,43%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,36%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,6%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,23%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,21%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,62%. Có 2 nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước là bưu chính viễn thông giảm 0,47%; giao thông giảm 8,34%.
Tăng lương cơ bản sẽ không đẩy CPI tăng đột biến |
CPI bình quân 6 tháng năm 2023 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Theo bà Nguyễn Thị Hương chỉ số giá của một số nhóm hàng, dịch vụ tăng đã đẩy CPI 6 tháng tăng theo như: Nhóm giáo dục bình quân 6 tháng tăng 7,95%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI tăng 1,24 điểm phần trăm) do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,74%; giá các mặt hàng thực phẩm tăng 3,6%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp Lễ, Tết...
Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng, như: Giá dầu hỏa giảm 8,94%; giá gas trong nước giảm 9,99%; nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,37% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.
Tốc độ độ tăng 0,27% của CPI tháng 6 và 3,29% 6 tháng năm 2023, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê là kết quả nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành trong triển khai các chính sách điều hành giá.
Tuy nhiên, thị trường những tháng cuối năm tiềm ẩn nhiều biến động, đặc biệt từ ngày 1/7 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% được ghi nhận sẽ tác động mạnh tới CPI.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng: Mỗi kỳ tăng lương thường kéo theo giá cả hàng hóa tăng theo đặc biệt giá thực phẩm. Tuy nhiên, nguồn cung hàng hóa hiện rất tốt nên việc giá cả hàng hóa tăng theo lương là có nhưng sẽ không đột biến.
Để ổn định chỉ số CPI, đồng thời hạn chế tình trạng “tát nước theo mưa” sau khi lương cơ bản tăng, đại diện Tổng cục Thống kê cũng đề xuất: Các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa và dịch vụ cần thiết, đảm bảo đáp ứng kịp thời của người dân đặc biệt là hàng lương thực, thực phẩm .
Cần kiểm soát giá nguyên nhiên vật liệt đầu vào tăng cường sử dụng nguồn nguyên, nhiên liệu trong nước để thay thế cho nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và giảm áp lực nên giá tiêu dùng.
Thực hiện việc kiểm soát giá, niêm yết giá hàng tiêu dùng và tận dụng hiệu quả mạng lưới siêu thị để bình ổn giá. Ngoài ra cần tăng cường công tác thanh tra kiểm tra chống việc găm hàng, đẩy giá.
“Quyết định thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý rất quan trọng, nhất là trong 6 tháng cuối năm, do vậy các đơn vị liên quan cần nghiên cứu cho phù hợp để tránh cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế”, đại diện Tổng cục Thống kê nói.
Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, đưa thông tin kịp thời, tạo sự đồng thuận trong dư luận cho công tác điều hành giá của Chính phủ, tạo sự ổn định tâm lý của người tiêu dùng, ổn định lạm phát.