Tìm cách "đánh thức" tiềm năng du lịch Cao Bằng
Trên hành trình từ Hà Nội tới Cao Bằng, du khách còn có dịp tham quan danh thắng hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: VGP
Giàu tiềm năng
Cao Bằng là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như du lịch về nguồn, du lịch sinh thái... Thế mạnh du lịch về nguồn của Cao Bằng là các di tích lịch sử như hang Pác Bó, suối Lenin, nơi Bác Hồ đã sống, làm việc và xây dựng căn cứ cách mạng đầu những năm 1940.
Cao Bằng cũng có thế mạnh về du lịch sinh thái với danh lam thắng cảnh độc đáo như động Ngườm Ngao dài 1 km có cảnh quan đẹp, bên cạnh đó là thác Bản Giốc, một địa danh nổi tiếng.
Thêm nữa, trên hành trình từ Hà Nội lên Cao Bằng, du khách còn có dịp đi qua danh thắng hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn với vẻ đẹp, cảnh quan độc đáo.
Không chỉ có cảnh quan, trên tuyến đường này, các làng bản của đồng bào người Thái xung quanh Ba Bể như Pắc Ngòi, Pắc Nặm luôn đón chào du khách bằng mô hình du lịch cộng đồng homestay (thay vì nghỉ ở nhà nghỉ, khách sạn, du khách có thể ngủ tại nhà dân, cùng ăn uống, sinh hoạt với người dân địa phương. Qua đó có thể tìm hiểu phong tục tập quán của họ).
Theo phân tích của ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Hà Nội, Giám đốc APT Travel, trong khi những di tích cách mạng thu hút dòng khách đoàn thể thì các khu sinh thái, làng bản lại được khách nước ngoài ưa thích. Cao Bằng, Bắc Kạn là hai tỉnh có nhiều người dân tộc Thái, Tày, Nùng sinh sống. Do đó, khách du lịch châu Âu, đặc biệt là Pháp, rất ưa thích tới đây để thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống như múa sạp, hát Then cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.
Thác Bản Giốc là địa danh có sức hút đặc biệt. Theo thống kê của các công ty lữ hành, mấy năm gần đây, lượng khách miền Trung, miền Nam đến với Cao Bằng để tham quan thác Bản Giốc tăng lên nhanh chóng.
Với sự phân bố điểm tham quan như hiện nay, nhiều hãng lữ hành cho rằng Cao Bằng nên kết hợp với Bắc Kạn để xây dựng sản phẩm du lịch theo tuyến điểm. Một lộ trình 3 ngày 2 đêm là hợp lý để du khách có thể tham quan hầu hết các điểm đến đặc sắc của hai tỉnh. Ngoài ra, nhiều hãng lữ hành cũng đang khai thác những sản phẩm du lịch dài ngày hơn, kết nối với Thái Nguyên, Lạng Sơn…
Điểm đến nổi tiếng, món ăn ngon, con người hồn hậu và đường xá đi lại đã thuận tiện hơn nhưng du lịch Cao Bằng vẫn chỉ là tiềm năng.
Chỉ riêng doanh nghiệp thì chưa đủ sức
Ông Nguyễn Hồng Đài cho biết, Cao Bằng có rất ít doanh nghiệp lữ hành. Hiện cả tỉnh mới có 3 khách sạn 3 sao còn nhà hàng ăn uống phục vụ được vài trăm khách trở lên cũng rất ít.
Ngoài ra, đội ngũ làm du lịch, dịch vụ ở đây cơ bản chưa được đào tạo cách phục vụ du khách.
Một lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành khác, ông Andrew Nguyen, chia sẻ Cao Bằng cũng chưa có nhiều dịch vụ giải trí để níu chân du khách, chưa có nhiều chỗ để du khách tiêu tiền. Sau mỗi ngày tham quan, tối về khách cũng chỉ loanh quanh ở khu nghỉ hoặc đi dạo rồi về ngủ.
Theo ông Đài, Cao Bằng không phải điểm đến mới. Thời gian qua, đã có nhiều lữ hành đưa khách lên Cao Bằng nhưng để hiểu đầy đủ và sâu về du lịch Cao Bằng thì chưa có. Vì thế, các sản phẩm du lịch hiện nay vẫn chưa thực sự đặc sắc, hấp dẫn, chưa lột tả, khai thác hết được vẻ đẹp và giá trị của danh thắng. Bản thân doanh nghiệp lữ hành còn chưa có nhiều thông tin về điểm đến thì thông tin đến với du khách sẽ còn ít ỏi và phiến diện.
Vì vậy, việc xây dựng sản phẩm mới cần có thêm những hỗ trợ về dịch vụ và truyền thông từ địa phương. Ví dụ như ở thác Bản Giốc, dù đã khai thác nhiều năm nhưng dịch vụ quanh khu danh thắng này vẫn rất hạn chế. Chẳng hạn như ở đây không có điểm dừng để chụp ảnh toàn cảnh, không có người thuyết minh về điểm đến. Dù có nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, nhưng phần lớn rất sơ sài, đơn điệu; dịch vụ bè tham quan thác Bản Giốc tuy có, nhưng còn thô sơ, thiếu an toàn...
Do đó, để du lịch Cao Bằng thực sự phát triển bền vững, thu hút khách, đồng thời tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân thì chỉ mình doanh nghiệp là không đủ./.
Theo Chính phủ