Tiềm năng và cơ hội để Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới
ANZ: ASEAN sẽ thay Trung Quốc trở thành "công xưởng của thế giới" Kỳ vọng Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất chip thế giới |
Việt Nam có tiềm năng và cơ hội để trở thành công xưởng mới của thế giới trong quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.
Đó là nhận định của Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp, Đại học Bristol (Anh) trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TTXVN tại Anh.
Dây chuyền lắp ráp đèn led. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn cho biết căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine là những yếu tố chính thúc đẩy quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ yếu từ Trung Quốc, công xưởng lớn của thế giới tới các nước khác trong khu vực.
Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn nhận định nhu cầu cấp thiết đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu trước những rủi ro do các yếu tố nêu trên gây ra đã tạo cơ hội để Việt Nam trở thành một trong những công xưởng mới của thế giới, chia sẻ dịch vụ sản xuất từ Trung Quốc.
Việt Nam là một trong những nước trong khu vực được nhắc tới nhiều nhất có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các số liệu thống kê cho thấy đã có những vụ dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, trong đó có nhiều tập đoàn trong top 500 tỷ USD hàng đầu của Mỹ, gồm các công ty công nghệ toàn cầu như Intel và Apple.
Tiềm năng này đã được khẳng định với việc những nhà sản xuất lớn trong khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ trong các báo cáo đánh giá về đối thủ cạnh tranh đã nêu tên Việt Nam, với lợi thế về nhân công rẻ và ưu đãi đầu tư nước ngoài lớn.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn nhấn mạnh mặc dù có tiềm năng và cơ hội, Việt Nam vẫn cần có những động thái kịp thời để khai thác tốt nhất tiềm năng này.
Ông lưu ý lợi thế nhân công rẻ cũng đồng nghĩa với việc năng lực, trình độ nhân công Việt Nam còn giới hạn và vẫn đang thiếu nhân lực trình độ cao.
Ngoài ra, Việt Nam cũng gặp những thách thức về hạ tầng như Internet, hạ tầng giao thông đường sắt, hàng không..., đồng thời cần đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế số và công nghệ.
Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp Đại học Bristol, Vương quốc Anh. (Ảnh: Hải Vân/Vietnam+) |
Ông Hồ Quốc Tuấn cho rằng để có thể cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình phát triển hạ tầng và thúc đẩy kinh tế số, đồng thời có chính sách phù hợp khuyến khích phát triển nhân lực và đầu tư vào đào tạo nhân lực.
Quan trọng hơn, để có thể tận dụng lợi thế nhân công rẻ và ưu đãi đầu tư nước ngoài so với các đối thủ trong khu vực như Indonesia hoặc Thái Lan, Việt Nam cần chiến lược phát triển công nghiệp toàn diện, theo đó đảm bảo ưu đãi không chỉ cho doanh nghiệp nước ngoài mà cả doanh nghiệp trong nước.
Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn chỉ ra rằng hiện nay có sự chênh lệch giữa khu vực nước ngoài và khu vực trong nước khi các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng ưu đãi và tăng trưởng, nhưng chưa kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.
Ông nhấn mạnh chiến lượccông nghiệp tổng thể cần đảm bảo cả hai khu vực kinh tế có thể đầu tư vào sản xuất với chi phí thấp. Chiến lược này cũng cần xác định hướng phát triển rõ ràng với những mục tiêu cụ thể, không dàn trải, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, đồng thời thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Một chiến lược công nghiệp toàn diện và rõ ràng không chỉ nhằm mục tiêu giải quyết những khó khăn cụ thể như hạ tầng hay nhân sự, mà nhằm cải cách các hoạt động kinh tế để tạo bứt phá tăng trưởng.
Cũng theo ông Hồ Quốc Tuấn, hiện nay khi nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc gia tăng, Việt Nam đang là điểm đến được các công ty nước ngoài quan tâm, vì vậy cần nhanh chóng tận dụng cơ hội để bứt phá, trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.
Ông cảnh báo Ấn Độ cũng đang nổi lên là một lựa chọn thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng mới của thế giới, có khả năng trở thành cực tăng trưởng ở khu vực Nam Á. Khi đó, Việt Nam ở xa khu vực này sẽ bỏ lỡ cơ hội trước các nước vệ tinh xung quanh Ấn Độ.
Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn kết luận để tận dụng cơ hội trở thành trung tâm sản xuất mới của khu vực, đây là thời điểm Việt Nam cần nhanh chóng cải cách, tạo bứt phá trong tăng trưởng thông qua việc thực hiện một chiến lược công nghiệp toàn diện với những mục tiêu cụ thể, tham vọng, song thực tế./.