Kỳ vọng Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất chip thế giới
Việt Nam (VN) đang là điểm đến hấp dẫn khi ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia có tên tuổi lựa chọn làm trung tâm thiết kế và sản xuất chip.
Nhiều ông lớn chip đầu tư vào VN
Mới đây, hãng Synopsys (Mỹ) đã ký biên bản ghi nhớ với Khu công nghệ cao TP.HCM để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch tại VN và hỗ trợ phát triển trung tâm thiết kế chip.
Hãng Synopsys của Mỹ vừa ký biên bản ghi nhớ với Khu công nghệ cao TP.HCM để hỗ trợ phát triển trung tâm thiết kế chip. Ảnh: MINH HOÀNG |
Synopsys là một trong số ít các công ty Mỹ thống trị thị trường toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử, chuyên về phần mềm thiết kế chip. Thực tế, hãng công nghệ này đã có mặt tại VN với trung tâm thiết kế đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Ông Adrian Ng Siong Teck, Giám đốc kinh doanh Synopsys tại VN, cho biết VN được xem là điểm đến đầu tư khá hấp dẫn. Công ty cũng đã trao tặng 30 bằng sáng chế liên quan đến thiết kế chip cho Khu công nghệ cao TP.HCM với tổng giá trị 20 triệu USD.
“Dựa vào đây, các kỹ sư VN hoàn toàn có thể thiết kế chip ứng dụng cho tủ lạnh, máy điều hòa và tham gia vào các chuỗi giá trị cao hơn” - ông Adrian Ng Siong Teck thông tin.
Thực tế trong thời gian qua, VN đã thu hút khá nhiều ông lớn đầu tư vào lĩnh vực chip, gồm cả các tập đoàn quen thuộc lẫn nhà đầu tư mới. Chẳng hạn, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây, ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung, cho biết hãng đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7-2023, tại nhà máy tọa lạc ở Thái Nguyên. Đồng thời, tập đoàn này dự kiến khánh thành trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung tại Hà Nội vào cuối năm nay để phục vụ cho không chỉ VN mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á.
Lãnh đạo Samsung thông tin thêm tập đoàn dự kiến hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho 50 doanh nghiệp (DN) VN thông qua phát triển mô hình nhà máy thông minh; đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu của VN.
Ngoài ra, một số công ty hàng đầu trong lĩnh vực chip bán dẫn như Intel, Renesas… cũng đã và đang có kế hoạch thiết lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm và nhà máy sản xuất tại VN. Đơn cử như Công ty Amkor Technology đến từ Hàn Quốc cho biết sẽ đầu tư 1,6 tỉ đô la để phát triển một nhà máy sản xuất, thử nghiệm và lắp ráp chip ở Bắc Ninh, dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2035. Công ty này được biết đến là một trong những nhà sản xuất chip hàng đầu trên thế giới. Ông lớn Intel từ lâu cũng đã chọn VN là trung tâm sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại nhất với nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Trước làn sóng đầu tư sản xuất chip của nhiều tập đoàn nước ngoài, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng VN có thể nắm bắt cơ hội để học hỏi và từng bước làm chủ công nghệ sản xuất chip.
GS-TS Đặng Lương Mô, một nhà khoa học vi mạch từng làm việc tại Nhật, cho biết nhiều tập đoàn đa quốc gia chuyên thiết kế và sản xuất chip vào VN do VN là thị trường có tiềm năng với gần 100 triệu dân, ổn định chính trị và thu nhập đang gia tăng. Ngoài ra, nhân tài VN không thiếu trong lĩnh vực này.
“VN đã thiết kế chip trong vòng 20 năm qua. Hiện VN đã có trên 2.000 kỹ sư thiết kế chip và nhiều người trong số họ có kinh nghiệm làm việc hơn 15 năm, đủ năng lực làm việc ở thị trường quốc tế. Vì vậy, VN cần tận dụng các nguồn lực này để giúp đất nước có năng lực cạnh tranh. Nhật, Hàn Quốc… đã từng tận dụng sức mạnh của lĩnh vực chip để phát triển giàu mạnh” - GS-TS Mô nói.
Tuy nhiên, để làm được điều này, VN phải có chiến lược rõ ràng và hỗ trợ tối đa để các tập đoàn bán dẫn lớn trên thế giới thành lập, mở rộng các trung tâm nghiên cứu và thiết kế tại VN; hỗ trợ, thu hút và đẩy nhanh đào tạo nhân tài chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư cho rằng VN cần giải quyết ngay những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục hành chính, hoàn thiện hơn khung pháp lý về đầu tư.
Tại diễn đàn về đầu tư vừa diễn ra ngày 15-9, nhiều nhà đầu tư cho rằng các dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng quy định, quy tắc và thủ tục tại VN. Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN (AmCham Vietnam), nói rằng yếu tố quan trọng nhất để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi chính là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán được. Điều này không chỉ để thu hút nhà đầu tư mới mà còn để duy trì và tăng đầu tư của các dự án đang hiện hữu tại VN. Bởi thực tế thời gian qua, do những thay đổi trong quy định của pháp luật, nhiều nhà đầu tư đã gặp khó khăn khi thực hiện đầu tư.
Khả năng cung ứng của ngành công nghiệp hỗ trợ VN cũng là vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Vì vậy, VN cần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. •
Việc “kết hôn” giữa các doanh nghiệp nội - ngoại chưa tốt TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC), nhận xét nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn VN là quê hương thứ hai và gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, các DN VN rất khó tham gia vào các chuỗi cung ứng của các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi không cung ứng được các nguyên liệu, vật tư, phụ tùng cần thiết cho DN FDI. Đặc biệt không kết nối được với các DN vừa và nhỏ trong nước, mà tồn tại như những “ốc đảo”. Các DN FDI cho rằng rất khó tìm được các nhà cung ứng ở VN. Nguyên nhân là do các nhà cung ứng của VN không đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết và những công nghệ cần thiết để có thể trở thành nhà cung ứng cho họ. Do đó, phần lớn các nguyên liệu, vật tư vẫn phải nhập từ nước ngoài. “Chúng ta chưa thực sự có được một cuộc “kết hôn” giữa các DN trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài để cùng nhau tiến sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. VN cần một giai đoạn mới của sự hợp tác đầu tư, hướng tới công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị cung ứng. Điều này phù hợp cả với các DN FDI và của VN” - ông Lộc nói. |