Thí điểm vận hành cửa khẩu thông minh: Mở rộng quan hệ thương mại theo chiều sâu
Theo đó sẽ xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) tại khu vực tỉnh Lạng Sơn, đưa Lạng Sơn là địa điểm đầu tiên ở Việt Nam thí điểm thực thực hiện mô hình cửa khẩu thông minh.
Việc vận hành Đề án hướng tới mục tiêu xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành "cửa khẩu kiểu mẫu", cửa khẩu đường bộ tiên tiến nhất ASEAN phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay; hình thành trung tâm thương mại giao thương hàng hóa đường bộ lớn nhất của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc và ngược lại. Cùng với đó nâng cao năng lực thông quan tại đây lên mức gấp 2 - 3 lần (đến năm 2027) và gấp 4 - 6 lần (đến năm 2030) so với hiện nay.
Mô hình cửa khẩu thông minh thực hiện trong một phạm vi tách biệt, khép kín, áp dụng đối với một số chủng loại mặt hàng cụ thể trong thời gian thí điểm. Các mặt hàng lựa chọn thực hiện thông quan theo mô hình cửa khẩu thông minh bao gồm: Mặt hàng hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và mặt hàng linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thông quan hàng hoá tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh minh hoạ |
Đáng chú ý, trong thời gian vận hành thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh, phương thức giao nhận hàng hóa truyền thống vẫn được duy trì hoạt động đồng thời nhằm tránh không để ảnh hưởng đến việc thông quan hàng hoá qua cửa khẩu.
Theo các chuyên gia, việc thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh là phù hợp với xu hướng phát triển, đồng thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thông quan hàng hóa hiện nay. Lạng Sơn từ nhiều năm nay được coi là một trong những đầu cầu xuất nhập khẩu quan trọng nhất của đất nước bởi vậy việc chính thức vận hành thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh được coi là tăng sức bật, thêm lợi thế cho đầu cầu này.
Cùng với đó, tạo cơ hội giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân biên giới, thiết thực mang lại giá trị kinh tế cho địa phương.
Được biết, nhiều công nghệ hiện đại sẽ được áp dụng trong quá trình thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh. Theo đó, cửa khẩu thông minh sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự hành không người lái AGV, hệ thống quản lý kho có sử dụng camera thông minh.
Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, việc phê duyệt Đề án là bước tiến quan trọng để tiếp tục nâng quan hệ thương mại Việt - Trung lên tầm cao mới dựa trên nguyên tắc 16 chữ và tinh thần 4 tốt. Đây là bước hoàn thiện hạ tầng thương mại cửa khẩu để tương xứng với mục tiêu tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại hai bên theo chiều sâu, thực chất, hiệu quả, tận dụng thành công các tiến bộ công nghệ để giảm chi phí trung gian, thông quan, tạo thuận lợi thương mại cho các bên.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội lớn để cả hai bên mở rộng khả năng và tiềm năng thương mại mới và phát huy được nhiều nguồn lực, nhất là nguồn lưc tại chỗ và kết nối với đối tác. Đây là động lực phát triển mới, tạo điều kiện để cải thiện nguồn lực địa phương hiệu quả. Quy mô giao dịch tăng lên, tạo sức hút đầu tư, việc làm cho tỉnh Lạng Sơn, chuyển dich cơ cấu kinh tế, tiết kiệm chi phí và thời gian thông quan, tăng lưu lượng hàng lưu thông, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đây còn là cách thức đổi mới mô hình quản lý cửa khẩu lấy tiến bộ công nghệ làm trung tâm. Nó có thể làm mẫu cho các cửa khẩu khác.
“Tuy nhiên trong quá trình vận hành cần chú ý bảo mật thông tin, bảo vệ vệ an ninh mạng cũng như vấn đề chống lộ lọt dữ liệu cá nhân, tổ chức, chống tội phạm xuyên quốc gia, hàng lâu, hàng giả...Tất cả những yếu tố đó cần đặt trong mối quan hệ hai bên trên đà phát triển mạnh song không bỏ qua các rủi ro, thách thức nhất là thâm hụt thương mại...”, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng nêu quan điểm.