Sử dụng vốn ODA một số nơi chưa phát huy được hiệu quả, thậm chí lãng phí
Nhiều địa phương chậm giải ngân vốn ODA Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi Ban hành Nghị định quản lý và sử dụng vốn ODA |
Mới đây, thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí đến từ Khánh Hòa đã chỉ ra một số vấn đề, cũng chính là các yếu tố nội sinh, ngoại sinh khiến bức tranh kinh tế Việt Nam khó khăn.
Cụ thể, việc sử dụng vốn ODA hay việc vay ưu đãi nước ngoài vẫn chưa hiệu quả, thậm chí là lãng phí và tạo ra gánh nợ công. Ông Trí cho hay “Thời gian qua, nhiều dự án vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài giải ngân chậm, kéo dài thời gian thực hiện. Hàng năm, số chuyển nguồn ngân sách nhà nước lớn, thậm chí phát sinh thêm chi phí, gây lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Trong khi ngân sách phải đi vay để bù đắp bội chi và phải chịu lãi suất trả phí cam kết”.
Bên cạnh đó, trong tương lai việc huy động nguồn vốn vay ODA sẽ ngày càng khó khăn hơn với những điều kiện không thuận lợi về tài chính, lãi suất…”. Vì vậy, việc huy động, phân bổ và sử dụng vốn ODA cần phải được xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, tránh lãng phí và tạo gánh nặng nợ công.
Ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí về những các yếu tố gây ra khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam. Ảnh chụp màn hình |
Để khắc phục tình trạng này, Đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, trong lĩnh vực đầu tư công, cần xem xét ưu tiên tập trung nguồn lực tài chính quốc gia và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác công tư của nền kinh tế. Nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng quốc gia, hạ tầng giao thông liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng xanh, hạ tầng số gắn với triển khai nhanh và hiệu quả quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh tạo tác động lan tỏa, tạo động lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Ngoài vấn đề trên, đánh giá về những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua, Đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng: Hiện doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn về thị trường, dòng tiền, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất tăng cao, số doanh nghiệp giải thể, phá sản ngày càng tăng và báo động. Mặc dù thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các chính sách đó đến với người dân và doanh nghiệp như thế nào, hấp thụ được bao nhiêu, tháo gỡ được những gì mới là vấn đề quan trọng. Trên thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế, nhất là những rào cản từ các điểm nghẽn của pháp luật, từ nhận thức về pháp luật và cách ứng xử đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền dẫn đến sự trì trệ là lực cản lớn nhất hiện nay cho sự phát triển cần sớm được khắc phục.
Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục tập trung có các giải pháp tích cực tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn nhằm khơi thông mọi nguồn lực về dòng vốn trong nền kinh tế, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn; triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu thương mại và du lịch trong nước. Cải thiện mạnh mẽ thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Tiếp tục xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm ổn định về sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường xuất nhập khẩu. Đồng thời, có các chính sách có tính đột phá, tích cực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn, nhằm phát huy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong động lực phát triển của các nguồn lực, các lĩnh vực mà khu vực Nhà nước không làm hoặc không làm được. Công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn là điểm yếu của nền kinh tế, chưa đáp ứng yêu cầu để thu hút các ngành công nghệ tiên tiến và thúc đẩy liên kết có hiệu quả. Vì vậy, cần quan tâm các chính sách đột phá, tận dụng các cơ hội để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đa dạng hóa thị trường đối tác.
Về lâu dài, cần có các chính sách, giải pháp có tính chiến lược nhằm tăng tính độc lập, tự chủ, tăng cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, các ngành, các lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam.