Siết chặt vòng vây với thực phẩm trôi nổi trên "chợ mạng", bảo vệ người tiêu dùng
Truy quét hơn 17.000 sản phẩm
Ngày 17/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại.
Tại hội thảo, bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, hiện nay người dân có thể dễ dàng mua các thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến trên thị trường mạng chỉ trong vài phút đặt hàng, thanh toán và nhận đơn hàng tận cửa.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc kiểm soát chất lượng, việc quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử hiện nay như thế nào và giải pháp trọng tâm trong quản lý an toàn thực phẩm thời gian tới.
Bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương. (Ảnh: Cấn Dũng) |
Bà Hà thông tin, năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm/dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện.
Đồng thời rà soát quy trình kiểm duyệt đối với một số sản phẩm bị cảnh báo theo yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và các loại bánh trung thu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Kết quả, năm 2023, các sàn thương mại điện tử đã gỡ bỏ 17.234 sản phẩm và chặn 5.576 gian hàng vi phạm.
6 tháng năm 2024, trong hoạt động rà soát các sản phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ một số sản phẩm vi phạm.
Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số còn yêu cầu nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, chủ website bán hàng phối hợp, rà soát các sản phẩm đông y không rõ nguồn và mỹ phẩm chưa có phiếu công bố mỹ phẩm. Kết quả, các sàn đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn và đã gỡ gần 400 sản phẩm.
Tăng cường quản lý thực phẩm trên môi trường mạng
Với nỗ lực từ các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp, thực phẩm an toàn ngày càng được phân phối rộng khắp cung cấp tới người tiêu dùng sản phẩm bảo đảm chất lượng.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, vấn nạn hàng giả nói chung và thực phẩm giả nói riêng tuy đã được tăng cường kiểm tra, giám sát song vẫn diễn biến phức tạp.
Ông Công nhấn mạnh tới sự gia tăng hàng giả và thực phẩm giả trên môi trường thương mại điện tử với tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, xử phạt.
"An toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, vì vậy, quản lý an toàn thực phẩm hiện nay là vấn đề rất cần thiết. Quan điểm của Quản lý thị trường là luôn đồng hành và bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn hợp pháp, chính đáng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", đại diện Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh.
Ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý Thị trường. (Ảnh: Cấn Dũng) |
Để quản lý an toàn thực phẩm trong thương mại điện tử thời gian tới, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đề xuất ủng hộ việc cơ quan y tế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như đề xuất tại Công văn số 3472/BYT-ATTP ngày 24/6/2024 đối với trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm.
Theo đó, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời cho phép các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử tại hệ thống Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị liên quan như thuế, công an thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Ngoài ra, theo bà Lê Thị Hà cần tăng cường phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Cục và các đơn vị liên quan như Tổng cục Quản lý thị trường, Cơ quan Công an, Cục An toàn thực phẩm.. về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm.
Mặt khác, cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử qua việc đào tạo cán bộ làm việc liên quan tới thực thi pháp luật, quản lý nhà nước để hiểu về quy định mới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, từ đó hoàn thiện năng lực thực thi chuyên ngành liên quan.
Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật như việc tăng cường cảnh báo bằng nhiều phương thức khác nhau đến người tiêu dùng, tận dụng các nền tảng mạng xã hội mới, các hình thức truyền tải thông tin mới như livestream, AI, sử dụng người có ảnh hưởng KOL để lan truyền thông điệp về an toàn thực phẩm.