Nhiều tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Malaysia
Thị trường Malaysia nhiều tiềm năng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Malaysia trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 8,6 tỷ USD, tăng tới 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 3,04 tỷ USD, chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu đạt 5,4 tỷ USD, tăng mạnh tới 29,4% so với cùng kỳ. Do xuất khẩu chỉ tăng nhẹ trong khi nhập khẩu tăng nhanh dẫn đến cán cân thương mại bị thâm hụt 2,4 tỷ USD, tăng 77,2% so với cùng kỳ, chiếm tới 79,3% so với kim ngạch nhập khẩu.
Thị trường Halal tại Malaysia ngày một tăng, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thanh Minh |
Đáng chú ý là mặt hàng gạo tăng trưởng tới 176,6% và đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 3 trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào Malaysia, chiếm tỷ trọng tới 10,3%. Cùng với gạo, các mặt hàng nông sản khác như cà phê cũng có mức tăng trưởng ấn tượng tới 115,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng Hóa chất cũng tăng trưởng mạnh tới 204,4% (chiếm tỷ trọng 3,6%), sản phẩm từ chất dẻo cũng có mức tăng đến 60,8% (tỷ trọng 1,2%) tuy nhiên tỷ trọng mặt hàng này còn thấp. Các mặt hàng giảm về kim ngạch đáng lưu ý là sản phẩm hóa chất giảm tới 46,1%, hàng thủy sản giảm 9,1%, giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 9,6%
Về nhập khẩu, điểm đáng lưu ý là mặt hàng xăng dầu đã trở thành mặt hàng nhập khẩu lớn nhất chiếm 24,8% về tỷ trọng và đẩy mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuống vị trí thứ 2 với tỷ trọng 21,8%. Đây cũng là hai mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất và vượt trội so với các mặt hàng còn (đều chiếm tỷ trọng từ 7% trở xuống). Cả hai mặt hàng này đều tăng mạnh, xăng dầu các loại tăng tới 72,1%, còn mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng tăng tới 21,6%, Khí đốt hóa lỏng tăng tới 292,3%,
Trước đó, trong buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Zafrul Abdul Aziz, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Malaysia là đối tác quan trọng của Việt Nam, nhất là về thương mại, đầu tư; các doanh nghiệp Malaysia ngày càng tham gia đầu tư nhiều và hiệu quả tại Việt Nam; cho biết Việt Nam luôn hoan nghênh, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư Malaysia đến kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, cam kết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, đảm bảo đối xử công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Malaysia.
Nhiều khuyến nghị thúc đẩy hợp tác thương mại song phương
Để hàng hoá Việt rộng cửa vào thị trường Malaysia, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, nước này có tỷ lệ dân Hồi giáo cao, nên tiêu chuẩn halal được khuyến khích đối với thực phẩm nhập khẩu, dù không bắt buộc. Mặc dù, tiêu chuẩn halal mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, nhưng chi phí và khó khăn vẫn là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện, mở rộng đơn vị cấp chứng chỉ và giảm chi phí để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Malaysia là thị trường có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, với sức mua khá, nhu cầu đa dạng và gần gũi về văn hóa tiêu dùng. Malaysia cũng có độ mở thị trường lớn và mức độ rào cản tương đối thấp với hàng xuất khẩu Việt Nam do cùng tham gia nhiều hiệp định tự do hóa thương mại khu vực. Ngoài ra, Malaysia thiếu hụt nguồn cung nội địa về nhiều loại thực phẩm thiết yếu như gạo, thủy hải sản, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, thị trường Malaysia cũng có nhiều thách thức. Cạnh tranh khốc liệt từ các nước xuất khẩu khác, nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... là một trong những khó khăn lớn nhất. Ngoài ra, các mặt hàng thực phẩm yêu cầu có chứng chỉ halal trong khi việc cấp chứng chỉ này không phải do cơ quan nhà nước Việt Nam quản lý mà do các cơ quan chính quyền một số nước Hồi giáo công nhận. Hiện chỉ có một đơn vị phi chính phủ cấp chứng chỉ halal tại Việt Nam được JAKIM (thuộc Bộ Phụ trách các vấn đề tôn giáo của Malaysia) công nhận.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn ngại tiếp cận thị trường do các rào cản về ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa... Nhiều trường hợp lừa đảo đã xảy ra khiến doanh nghiệp mất niềm tin trong giao thương.
Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức tại thị trường Malaysia, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia đưa ra một số khuyến nghị như sau:
Đối với địa phương và hiệp hội, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của địa phương, thành viên hiệp hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp tại thị trường Malaysia như tổ chức hội chợ chuyên ngành hoặc tổng hợp các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại Malaysia…
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Malaysia trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến tại thị trường Malaysia, nhất là việc xác minh đối tác.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cảnh báo trước khi thanh toán tiền hàng hay đặt cọc đối với doanh nghiệp mới, chưa gặp mặt thì cần kiểm tra thông tin đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm tên doanh nghiệp và số đăng ký kinh doanh và gửi Thương vụ xác minh.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hang thực phẩm cần lưu tâm đến xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm có chứng chỉ halal sang thị trường Malaysia do tỷ lệ người theo đạo Hồi ở Malaysia lớn và chỉ lựa chọn các sản phẩm được cấp chứng chỉ halal.
Malaysia đang tăng cường kiểm soát giá cả sinh hoạt do thiếu hụt nguồn cung một số loại thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cho nhu cầu thiết yếu như trứng, gạo… nên quan tâm kết nối với hệ thống phân phối để gia tăng xuất khẩu…
Cuối cùng, “phối hợp với Thương vụ gửi hàng sang trưng bày tại phòng hàng mẫu tại Thương vụ để giới thiệu hàng hóa cho các đơn vị nhập khẩu làm việc với Thương vụ cũng như trưng bày tại các sự kiện quảng bá của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Malaysia khuyến nghị.