Hiệu quả từ các hoạt động xúc tiến thương mại sang thị trường Tây Ban Nha
Tiềm năng hợp tác còn rất lớn
Quan hệ Việt Nam - Tây Ban Nha đang trên đà phát triển rực rỡ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Thương mại song phương đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 8 năm qua, và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) càng thúc đẩy sự gia tăng này. Cả hai quốc gia đều có nền kinh tế phát triển ổn định và năng động, tạo cơ sở vững chắc cho hợp tác đầu tư và thương mại.
Vị trí chiến lược của Việt Nam và Tây Ban Nha, nằm ở ngưỡng cửa của các khu vực kinh tế quan trọng của châu Á và châu Âu, biến cả hai nước trở thành những cầu nối quan trọng giữa hai nền kinh tế năng động nhất thế giới. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, bao gồm CPTPP, EVFTA, AFTA và RCEP, mở ra cơ hội to lớn cho hợp tác kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Tây Ban Nha tăng 21,6%. Ảnh Bộ Công Thương |
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Tây Ban Nha đạt khoảng 2,75 tỷ USD tăng 21,6%. Trong đó, xuất khẩu đạt trên 2,35 tỷ USD tăng 20,1%, nhập khẩu xấp xỉ là 0,40 tỷ USD tăng 4,5%, xuất siêu tiếp tục được duy trì ở mức cao là 1,96 tỷ USD. Đây tiếp tục là mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan.
Việt Nam luôn duy trì là một trong những nước có thị phần và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khu vực châu Á sang Tây Ban Nha, chỉ xếp sau các đối tác vốn được xem là chiến lược của bạn như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, xếp trên tất cả các nước ASEAN khác.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, các đối thủ chính của Việt Nam tại thị trường này, nhất là đối với hàng thủy sản, rau quả, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ đến từ châu Mỹ Latinh và Bắc Phi - nơi có các ưu thế vượt trội về địa lý, chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa và sẵn có mối quan hệ truyền thống đặc biệt với cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha đông đảo.
Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xúc tiến thương mại
Mặc dù duy trì được mức xuất siêu cao, tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cũng nhận định, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Tây Ban Nha hiện nay và trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn và thách thức nhiều hơn trước. Đặc biệt là trong bối cảnh sức ép cạnh tranh thị trường ngày càng lớn khi EU và Tây Ban Nha ưu tiên thúc đẩy ký kết Hiệp định FTA giữa EU với Mexico và các nước khối Mercosur, đã nối lại đàm phán các hiệp định FTA với các nước ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia và Philippines.
FTA của EU - New Zealand vừa có hiệu lực thực hiện, đồng thời FTA của EU - Khu vực các nước Trung Mỹ (bao gồm Panama, Guatemala, Costa Rica, El Salvador, Honduras, và Nicaragua) cũng vừa được đi vào thực thi đầy đủ. Ngoài ra các FTA của EU với Chile và Kenya đã được ký kết trong năm 2023 kỳ vọng sẽ sớm có hiệu lực ngay trong năm 2024 này.
Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2024, Tây Ban Nha đã đưa ra áp dụng một số quy định chính sách đáng lưu ý có tác động đến Việt Nam. Chẳng hạn, lệnh PJC/756/2024 ngày 22 tháng 7 năm 2024 phân định các nghiệp vụ được thực hiện bởi các cơ quan kiểm soát cửa khẩu chính thức thuộc Bộ Nông nghiệp, Nghề cá và Thực phẩm với Bộ Y tế; Nghị định 657/2024 ngày 9/7/2024 thiết lập các căn cứ quy định về trợ cấp cho các hoạt động công nghiệp phục vụ chuyển đổi các sản phẩm đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trong khuôn khổ chiến lược phục hồi và chuyển đổi ngành nông nghiệp thực phẩm…
Trước tình hình trên, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha đã chủ động, kịp thời chuyển thông tin để khuyến cáo đến các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước, nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra ở nước sở tại.
“Để nhằm giảm thiểu rủi ro gặp phải đối tác lừa đảo hay không thực hiện đúng hợp đồng, Thương vụ cũng đã đề xuất doanh nghiệp trong nước tăng cường phối hợp với Thương vụ trong xác minh doanh nghiệp sở tại trước khi đi đến ký kết thực hợp đồng mua bán”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha khuyến cáo.
Để thúc đẩy liên kết xúc tiến thương mại với nước sở tại, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha đang tích cực triển khai các nhiệm vụ xúc tiến thương mại. Trong đó, Thương vụ thực hiện các chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị Tham tán Thương mại Khu vực châu Âu năm 2024 tổ chức từ ngày 18 - 20/7/2024 tại Rome.
Bên cạnh đó, tiếp tục cung cấp thông tin kết nối kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam và Tây Ban Nha tại các sự kiện hội chợ thương mại chuyên ngành quốc tế tổ chức tại thành phố Madrid, thành phố Barcelona và thành phố Valencia để tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối kinh doanh với Việt Nam.
Mặc dù có nhiều cơ hội, song để ngày càng gia tăng thị phần hàng Việt tại đây, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha khuyến nghị các doanh nghiệp, đơn vị nước nhà tăng cường phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp TBN - ASEAN (ASEMPEA), Chính quyền và Phòng Thương mại và Công nghiệp khu vực tại các tỉnh/thành phố lớn của Tây Ban Nha để cùng tổ chức các sự kiện tọa đàm giới thiệu về tiềm năng hợp tác kinh doanh với Việt Nam, các cơ hội kinh doanh đầu tư tiềm năng từ việc thực hiện Hiệp định EVFTA và sau này là Hiệp định EVIPA.
Song song với đó, Thương vụ sẽ trực tiếp kết nối với các doanh nghiệp địa phương, nhất là đối với một số nhóm mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng, trong đó có dệt may, giày dép, thủy sản, rau quả.