Nhiều triển vọng tăng trưởng kinh tế và hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Nga
Hợp tác thương mại là một điểm nhấn quan trọng
Nhìn lại mối quan hệ đã và đang tiếp tục được gây dựng, hai nước tự hào về những thành tựu đã đạt được, trong đó hợp tác thương mại là một điểm nhấn quan trọng, đặc biệt kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á- Âu (VN-EAEU FTA) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Nga đã có bước tiến lớn và là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đạt 2,74 tỷ USD, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,36 tỷ USD, tăng 46,4%; nhập khẩu đạt 1,38 tỷ USD, tăng 44,6%. Thâm hụt thương mại với Nga đạt khoảng 13 triệu USD.
Hàng thuỷ sản Việt là một trong những nhóm hàng xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao sang thị trường Nga. Ảnh: Trung Chánh |
Nhiều nhóm hàng xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao như: Hàng thủy sản đạt 116,7 triệu USD (tăng 105% so với cùng kỳ năm 2023); gạo đạt 4,7 triệu USD (tăng 92,6% về giá trị và 61% về khối lượng)...
Mặt hàng sắt thép các loại đạt 697,9 triệu USD (tăng 166% về giá trị và 240% về khối lượng); hạt tiêu đạt 15,7 triệu USD (tăng 60%), tuy nhiên các mặt hàng này giữ nguyên hoặc tăng không đáng kể so với 6 tháng năm 2024. Mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô dù trong 7 tháng đầu năm đã tiếp tục đà phục hồi đạt 10,7 triệu USD (tăng 27,3%).
Về nhập khẩu, 7 tháng đầu năm 2024, phân bón tiếp tục đứng đầu danh sách tăng trưởng nhập khẩu từ Nga cả về giá trị và khối lượng so với cùng kỳ năm 2023. Than các loại đạt 657 triệu USD; hóa chất đạt 54,1 triệu USD.
Sản phẩm lúa mì tiếp tục đà tăng trưởng so với 6 tháng năm 2024, đạt 26,8 triệu USD, tăng 93,1% về giá trị và 78,2% về khối lượng, cùng kỳ năm 2023 Việt Nam không nhập khẩu lúa mì.
Phân tích những thuận lợi, cơ hội cho hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Nga, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Nga cho hay, nền tảng kinh tế bổ sung của Việt Nam và Nga mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho hợp tác kinh tế - thương mại. Việt Nam phụ thuộc vào Nga đối với các mặt hàng thiết yếu như than đá, kim loại và năng lượng, trong khi Nga tìm kiếm nguồn cung ứng nông sản nhiệt đới, thực phẩm và hàng tiêu dùng từ Việt Nam. Triển vọng tăng trưởng kinh tế của cả hai quốc gia cũng rất khả quan, với GDP của Việt Nam dự kiến tăng 6-6,5% và của Nga dự kiến tăng 3,6% trong năm 2023.
Tuy nhiên, ông Dương Hoàng Minh cảnh báo rằng hợp tác kinh tế - thương mại song phương đang đứng trước thử thách rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Mặc dù cơ quan chức năng cả hai bên đã có nhiều nỗ lực nhưng kim ngạch thương mại song phương giảm sâu, phục hồi chậm, nhiều dự án đầu tư song phương gặp khó khăn trong triển khai cả ở Việt Nam và Nga.
Tận dụng lợi thế từ hoạt động xúc tiến thương mại
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nga, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng và có chiến lược khi tiếp cận thị trường Nga. Thương vụ khuyến cáo các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình thị trường để có những biện pháp ứng phó phù hợp.
Trước khi giao dịch hay ký kết hợp đồng, doanh nghiệp nên kiểm tra kỹ đối tác, đặc biệt là những đối tác tìm được trên internet. Nội dung hợp đồng cần đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, cần có các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp chủ động xúc tiến thương mại.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, thời gian qua, thương vụ Việt Nam tại Nga đã tích cực làm việc với các hiệp hội ngành hàng để cập nhật thông tin về tình hình thị trường và trao đổi các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều buổi làm việc trực tuyến để kết nối hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nga trong lĩnh vực thủy sản, nông sản….
Ngoài ra, Thương vụ cũng thường xuyên trao đổi, tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp về tình hình thị trường, hợp tác với doanh nghiệp Nga; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tranh chấp trong thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp hai nước; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia triển lãm tại Nga.
Để tạo cơ hội thúc đẩy hàng hóa Việt tại thị trường Nga, Thương vụ Việt Nam tại Nga đề xuất các cơ quan quản lý hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tham dự các triển lãm chuyên ngành tại Nga trong năm 2024. Thương vụ sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động tìm hiểu thị trường và xúc tiến thương mại tại Nga.
"Bằng cách thực hiện các biện pháp này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể giảm thiểu rủi ro và tận dụng tối đa cơ hội trong thị trường Nga, bất chấp những thách thức hiện tại"-đại diện thương vụ Việt Nam tại Nga cho hay.