Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”: Hà Nội đi đầu
Ảnh: Minh họa
Làng nghề Việt Nam phát xuất ở các vùng quê nhưng thành danh khi những sản phẩm chặt lọc sự tinh tuý của khối óc và bàn tay bước vào Kinh kỳ Thăng Long mà tên của những phố “Hàng” trong 36 phố phường là minh chứng.
Tiềm năng và thời cơ
Hà Nội ngày nay có 1.350 làng có nghề, chiếm 67% làng nghề của cả nước, trong đó có tới 24 làng nghề truyền thống được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ; với 47 nghề trên tổng số 52 nhóm nghề của toàn quốc với nhiều nghề độc đáo.
Làng nghề Hà Nội đã khẳng định vị thế trong kinh tế của thủ đô nói riêng, xây dựng nông thôn mới nói chung. Các sản phẩm như tấm “thông hành” để làng nghề Hà Nội bước vào thị trường trong và ngoài nước. Hoạt động của các làng nghề thủ đô tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 1 triệu thợ thủ công chuyên nghiệp, gấp 3-4 lần thu nhập của lao động thuần nông. Làng nghề còn thu hút nhiều lao động ngày nhàn, giờ rỗi; những độ tuổi không thích hợp với nghề nông tang “một nắng hai sương”; có thể tác nghiệp trong mỗi nếp nhà. Gắn bó với nghề có thể không giàu nhưng giúp cho người nghèo, người khuyết tật vượt qua số phận. Khi cuộc sống càng hiện đại, con người lại muốn quay về bầu bạn với thiên nhiên, càng tìm đến sản phẩm làng nghề. Cuộc chấn hưng làng nghề, trong đó mở hướng xuất khẩu làm cho nhiều làng nghề khởi sắc. Làng nghề còn tạo nên dấu ấn văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của đất Rồng bay ngàn năm văn hiến.
Đón nhận kinh nghiệm của bạn bè, Hà Nội mở màn phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, tạo sung lực mới cho làng nghề thủ đô và lan tỏa ra cả nước.
Nòng cốt của Phong trào OVOP của Hà Nội là những làng nghề (1) có năng lực sản xuất lớn, chất lượng tốt, thương hiệu uy tín, giá trị xuất khẩu và tiêu thụ nội địa cao (2) có khả năng đổi mới thiết kế tạo sản phẩm phù hợp với thương trường (3) có sản phẩm mới cần và có khả năng nhân cấy rộng (4) có điều kiện kết hợp với phát triển du lịch.
Thành công kép
Các làng nghề Hà Nội đã trình diễn gương mặt mới bằng nhiều sản phẩm tuyệt chiêu, thủ pháp kỹ thuật mới, đa dạng mẫu mã, đầy tính sáng tạo, tràn ngập sắc màu. Lớp thợ cả, chuyên gia thiết kế dày kinh nghiệm. Việc tôn vinh nghệ nhân đã khích lệ sự sáng tạo và tâm huyết truyền nghề. Nhiều trung tâm đào tạo, thiết kế và phát triển sản phẩm ra đời.
15 làng nghề tiêu biểu đã được Hà Nội chọn và nối thành các tour Làng nghề, như: Khảm trai Chuôn Ngọ - thêu Thắng Lợi - sơn mài Hạ Thái; Mây tre đan Phú Vinh - lụa Vạn Phúc - điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng; Gốm sứ Bát Tràng - may da, vàng, bạc, quỳ Kiêu Kỵ....
Hà Nội đã mời các nhà thiết kế nước ngoài sang truyền thụ cho đồng nghiệp của các làng nghề và đã cho sản phẩm đầu tay khoảng 200 mẫu mới tham gia các Hội chợ, trưng bày tại các Showroom. Hà Nội còn mời khoảng 500 nhà nhập khẩu nước ngoài vào dự triển lãm sản phẩm làng nghề, tổ chức hội thảo quốc tế “Xúc tiến thương mại - Mỗi làng một sản phẩm”, với sự tham gia của nhiều khách mời đến từ các nước, vùng lãnh thổ đã phát triển phong trào OVOP; các địa phương tiêu biểu về làng nghề.
Đường đi tới
Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó xúc tiến thương mại là động lực đẩy nhanh phong trào OVOP, đó là:
- Hoàn chỉnh chiến lược phát triền làng nghề, định hướng xây dựng mỗi làng nghề sản xuất một hoặc một số mặt hàng tiêu biểu, giá trị cao. Quy tập các cơ sở làm nghề vào các khu công nghiệp, cùng nâng cao chất lượng, sản xuất số lượng lớn, kiểu dáng mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, xử lý môi trường.
- Thực thi chính sách hỗ trợ làng nghề, nhất là tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi quốc gia, viện trợ quốc tế.
- Tổ chức hội chợ trong nước, tham gia triển lãm quốc tế, cung cấp thông tin, quảng bá sản phẩm làng nghề trong mọi cơ hội, bằng các phương tiện, khảo sát thị trường, kết nối bạn hàng.
- Xây dựng thương hiệu làng nghề với những các sản phẩm đặc trưng, gìn giữ nét nghệ thuật truyền thống.
- Chỉnh trang cảnh quan, tôn tạo di tích, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở điểm sản xuất mẫu hàng, gian trưng bầy hàng mẫu của các làng nghề… làm phong phú “sản phẩm du lịch”.
- Xây dựng trung tâm phát triển nghề, trung tâm đào tạo nhân lực, tôn trọng nghệ nhân, khích lệ tay nghề mới./.
Nguyễn Duy Nghĩa