Phát triển công nghiệp ở Việt Nam: Chính sách cần tạo thuận lợi và ổn định
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Trong-ngoài kết hợp |
Tại hội thảo về phát triển công nghiệp ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, tư duy về phát triển công nghiệp đã được lồng ghép trong các nghị quyết của Đảng về tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển vùng. Trên cơ sở các nghị quyết ấy, yêu cầu đặt ra là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để “không chỉ định hướng mà còn tạo thuận lợi, tạo khung khổ pháp lý ổn định cho phát triển công nghiệp ở Việt Nam” như Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh đánh giá.
Một trong những ngành công nghiệp quan trọng ở Việt Nam là công nghiệp ô tô đã trải qua nhiều thăng trầm về mặt chính sách. Chuyên gia kinh tế- TS. Võ Trí Thành cho rằng hiện cả ba doanh nghiệp ô tô hàng đầu ở Việt Nam là Thaco, Thành Công và Vinfast đều đang đi 3 con đường khác nhau. Với Thaco là làm gần như từ A đến Z, còn Thành Công thì có sự lựa chon phân khúc. Và Vinfast thì dựa vào nguồn lực mạnh để dần làm chủ cả công nghệ lẫn thương hiệu, kiểu dáng
“Ba cách “chơi” này đều ẩn chứa những rủi ro. Và vai trò Nhà nước ở đây là có sẵn sàng chấp nhận các rủi ro đó hay không cũng như giúp như người tiêu dùng hạn chế bớt các rủi ro”- TS.Thành nêu vấn đề.
Ông Thành cũng đặt câu hỏi liệu Việt Nam có thực sự phát triển được ngành công nghiệp ô tô hay không, trong khi vừa thiếu nền tàng truyền thống lại vừa phải phát huy, bắt nhịp với cái mới?
TS. Yasushi Ueki, đại diện của IDE-JETRO cho rằng, quy mô thị trường xe hơi tại Việt Nam có thể đạt 1 triệu xe/năm vào năm 2030, như vậy, quy mô thị trường của Việt nam đã đủ lớn để phát triển công nghiệp sản xuất xe hơi. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khả năng sản xuất trong nước của Việt Nam mới chỉ khoảng 600.000 chiếc/năm, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Do đó, cần có các chính sách, giải pháp, nỗ lực từ cả phía Chính phủ và doanh nghiệp để phát triển hơn nữa năng lực sản xuất xe hơi trong nước.
TS. Yasushi Ueki cũng đưa ra một số chính sách khuyến nghị như hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà cung cấp địa phương tiềm năng, cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ và phát triển thành phố thông minh,…
Ở một ngành công nghiệp chủ lực khác của Việt Nam là công nghiệp điện tử, bà Nguyễn Thị Xuân Thuý đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), cho rằng ngành điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tiềm năng phát triển xa hơn, tuy nhiên, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu, tỷ trọng giá gia tăng trong nước thấp và ngày càng giảm; các bộ phận cốt lõi đều là công nghệ cao, lưỡng dụng, chỉ do các doanh nghiệp Mỹ, EU và Nhật Bản sản xuất nên không dễ thay thế,…
“Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng quan hệ đối tác tin cậy trong ngành điện tử ở tầm vĩ mô và vi mô; thu hút thêm vốn FDI vào lĩnh vực điện tử; nâng cao kỹ năng, năng lực của doanh nghiệp địa phương về công nghệ sản xuất; hài hoà khung pháp lý với các tiêu chuẩn quốc tế,…”- bà Thuý nói.
Phát triển công nghiệp ở Việt Nam hiện nay đặt ra đang tiệm cận với cách mạng công nghiệp lần thứ tư với một đặc trưng là gắn với chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, các vấn đề và thách thức chính trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam bao gồm thiếu sự nhất quán và phối hợp chính sách về cả khía cạnh sản xuất và kỹ thuật số; thiếu các ưu đãi tài chính, yếu tố này gây tranh cãi bởi nó vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, vừa ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách; các văn bản chính sách chỉ là bước trung gian nhưng tiến độ triển khai còn chậm; hợp tác quốc tế còn chung chung.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất một số kiến nghị như tiếp tục hoàn thiện thể chế cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quan tâm đầy đủ đến việc triển khai các chính sách phát triển cách mạng công nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bố trí đủ thời gian, nhân sự, nguồn lực tài chính để thực hiện,… Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đề xuất tư duy thử nghiệm chính sách, thực hiện các cơ chế thử nghiệm (Sandbox) cho các lĩnh vực để có đủ cơ sở thực tiễn thay đổi luật, thay đổi chính sách.