Ngành Công Thương vững tin bước vào năm 2024
Longform | 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2023 Ngành Công Thương đoàn kết, đổi mới, đóng góp cho sự lớn mạnh của đất nước |
Đây là khẳng định của PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường đại học Kinh tế quốc dân) trong trả lời phỏng vấn báo Công Thương.
Ông có thể cho biết những nhận định khái quát về nỗ lực của ngành Công Thương trong năm 2023?
Có thể nói ngành Công Thương cho đến thời điểm này đã cầm cự kiên cường ngoài mong đợi. Việc tận dụng các cơ hội đã được thực hiện triệt để cho dù chỉ tiêu đạt được thực tế không như mong đợi ban đầu. Điều đó cho thấy ngành Công Thương đã có các giải pháp thích ứng với hiệu quả cao trước tình trạng suy giảm và bất định của nền kinh tế cả trong và ngoài nước.
Mặc dù có những dấu hiệu chưa sáng nhưng nền tảng cơ bản của sự phát triển đang được củng cố. Nhận thức của cả nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp đã chủ động, tích cực và thực chất hơn. Đó là những cơ sở để tự tin chuẩn bị cho bước phát triển mạnh trong năm 2024.
Từ thực tế năm 2023, ông nhìn nhận thế nào về những thách thức và cơ hội của năm 2024?
Năm 2024 có thể nói thế giới sẽ có sự chuyển dịch mạnh cả về dòng vốn đầu tư, thương mại và tiến bộ công nghệ cũng như trong giai đoạn chuyển đổi chính sách do tác động mạnh của công nghệ và nhiều mô hình phát triển mới được khẳng định. Rõ ràng cơ hội phát triển mới sẽ đến và thách thức cũng không nhỏ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng |
Trong bối cảnh như thế thì ngành Công Thương cần làm gì?
Từ xu hướng không thể đảo ngược của tiến bộ công nghệ và nhu cầu đổi mới cơ cấu ngành Công Thương cho thấy các giải pháp đột phá của ngành cần theo hướng lấy đổi mới sáng tạo làm chỗ dựa, tập trung đổi mới mô hình kinh doanh để nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn bị cuộc phân công lao động nội ngành do tác động AI. Vị thế ngành tiên phong của ngành Công Thương cần phải được khẳng định.
Bên cạnh đó cũng cần có các giải pháp về tháo gỡ cơ chế để giải phóng công nghệ, đổi mới sáng tạo các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp có lợi thế so sánh cao, công nghiệp lưỡng dụng để tăng sức chống chịu và mức độ tích luỹ vững chắc nền kinh tế.
Để thích ứng với rào cản mới, lĩnh vực thương mại cần chủ động, tích cực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, giảm thấp carbon, phát thải ròng bằng 0, thuế tối thiểu toàn cầu 15%… Tiếp tục có giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nghiên cứu và phát triển mô hình năng lượng mới, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Đa dạng hoá thị truòng kể cả thị trường Halal để không bỏ lỡ cơ hội. Tăng chí phí nghiên cứu và phát triển. Phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành.
Cùng đó cần có giải pháp khuyến khích đổi mới sáng tạo khởi nghiêp để tạo bước phát triển tiếp, có kịch bản thích ứng nhanh với tình huống bất ngờ. Coi trọng giải quyết triệt để và làm chủ công nghệ lõi trong chất bán dẫn để khẳng định vị thế mới của ngành. Đa dạng hoá thị trường để vừa khai thác cơ hội vừa giảm thiểu rủi ro. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách từng ngành và hướng tới cơ cấu ngành hiệu quả. Khai thác các tác động tích cực của các FTA…
Ngành Công Thương cũng cần có thêm chiến lược theo ngành công nghiệp như ngành công nghiệp chế tạo, cần tăng tỷ lệ nội địa hoá. Xây dựng hệ sinh thái số vận hành hiệu quả. Các hàng rào phát thải cần được vượt qua một cách hiệu quả theo hướng giảm từng bước phát thải, cân bằng năng lượng theo lộ trình quyết liệt và sẵn sàng từ chối cấp phép các dự án không đáp ứng tiêu chuẩn xanh, chuyển đổi năng lượng cân bằng.
Xin ông nói rõ những điểm nhấn cho năm 2024?
Cần khuyến khích sáng kiến đột phá mô hình, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và có phương án kết nối ngược dòng với đối tác lớn, công nghệ cao, mạng lưới mạnh. Khuyến khích phát triển mô hình kết nối doanh nghiệp, tập đoàn với viện nghiên cứu, truờng đại học, mạng lưới chuyên gia quốc tế.
Tăng cường giải ngân đầu tư công để tạo lòng tin và sự hoàn thiện thể chế, tăng sức lan toả sang đầu tư tư nhân, hoàn thiện Luật phát triển công nghiệp và hình thành tư duy gắn đổi mới công nghệ với marketing (martech), thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ, phát triển nguồn tín dụng xanh, đầu tư xanh, trái phiếu xanh và chứng khoán xanh. Đẩy nhanh thị trường tín chỉ carbon để hội nhập ngành theo tiêu chuẩn thế giới. Xây dựng và hoàn thiện các loại tiêu chuẩn mới để thay thế dần tiêu chuẩn cũ, tránh tụt hậu…
Cảm ơn ông!