Ngành cơ khí chế tạo máy: Bước tiến lớn về công nghệ
Máy móc được chế tạo trong nước chỉ bằng 25-30% giá nhập ngoại
Nhiều “trái ngọt”
Ngoài sự kiện chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m nước với trọng lượng 12 nghìn tấn, thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam còn nghiên cứu và làm chủ thành công nhiều công nghệ khác trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, tự động hóa. Những sản phẩm sử dụng công nghệ này đều có chất lượng tương đương với các sản phẩm cùng loại trên thế giới, nhưng giá thành chỉ khoảng 25-30% giá nhập ngoại, tiết kiệm lớn cho ngân sách Nhà nước.
Đầu tiên, phải kể đến hệ thống thiết bị chữa cháy rừng đa năng do các cán bộ khoa học của Đại học Lâm nghiệp (chủ nhiệm chính), Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự... nghiên cứu. Dù mới được đưa vào sử dụng ở Kon Tum, Hòa Bình, khu vực rừng tràm ở Tây Nam bộ, nhưng hệ thống này đã cho thấy năng suất và hiệu quả chữa cháy rừng rõ rệt, được các địa phương đánh giá cao. Hệ thống có tính năng ưu việt là sử dụng vật liệu tại chỗ, không mất tiền và sẵn có trong mọi thời điểm, mọi tình huống (đất, cát, không khí...) để dập lửa rừng. Đất cát tại chỗ sẽ được cắt, hút sau đó phun vào đám cháy. Trên xe còn được thiết kế hệ thống quạt gió cao áp với chiều dài ống thổi 30m, hệ thống chứa nước, súng phun nước, hệ thống cắt cây bụi ở phía trước xe, làm sạch cỏ rác ở phía sau xe để tạo ra băng cách ly khoanh vùng cô lập đám cháy với chiều rộng từ 2,5-20m. Được biết, đây là thiết bị được chế tạo lần đầu tiên ở Đông Nam Á, góp phần giảm thiệt hại về kinh tế do cháy rừng khoảng 150 tỷ đồng mỗi năm.
Từ kết quả nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã chế tạo thành công máy soi cắt lớp điện toán trong công nghiệp (Gorbit). Đây là loại máy do các nhà khoa học trong nước viết phần mềm và chế tạo bằng 100% các thiết bị của Việt Nam. Máy có nguyên lý hoạt động là dùng tia gamma chụp vào lõi các vật thể để xác định cấu tạo bên trong nhằm cho ra hình ảnh kín của các hiện vật để tìm ra khuyết tật mà không cần phải mở những thiết bị máy móc hoặc mổ xẻ hiện vật. Chất lượng của thiết bị này đã được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công nhận và đặt mua cho một số nước thành viên còn chưa tự chế tạo được, trong đó có những nước có trình độ khoa học công nghệ được coi là cao hơn Việt Nam như Thái Lan hay Pakistan... Việc làm chủ sản phẩm, đã thu về một lượng ngoại tệ lớn cho đất nước. Hiện, giá trị của một thiết bị Gorbit trên thị trường lên tới vài chục nghìn USD.
Trước đây, toàn bộ thiết bị nâng, hạ gồm cần cẩu siêu trường, siêu trọng... đều phải nhập khẩu nước ngoài với giá cao và tốn một lượng ngoại tệ không nhỏ. Cho nên, khi các nhà khoa học của Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung chế tạo thành công các thiết bị này với tỷ lệ nội địa hóa đến 90%, là một “dấu ấn” đáng kể khẳng định năng lực nghiên cứu trong nước. Các loại cần cẩu “Made in Vietnam” giờ đây có thể nâng, hạ roto tuabin có trọng lượng 1.200 tấn, đáp ứng nhu cầu thi công với tiến độ nhanh, giá thành rẻ hơn hàng nhập khẩu, tiết kiệm cho đất nước hàng trăm tỷ đồng, đang được ứng dụng rộng rãi tại nhiều ngành công nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, chúng ta còn làm chủ một loạt các công nghệ chế tạo hiện đại như các loại máy công cụ CNC, các hệ thống tự động thu thập dữ liệu và giám sát, giàn chống thủy lực di động 2ANSHA phục vụ cho khai thác than hầm lò, các loại máy hàn tự động và bán tự động, máy bơm nước công suất 36.000 m3/h, máy nghiền đá có công suất 100 tấn/h, vỏ máy nghiền nguyên liệu công suất 230 tấn clinke/ngày, đóng thành công tàu cao tốc 25 hải lý/giờ, tàu dầu 3.500 DWT...
Thúc đẩy sử dụng sản phẩm trong nước
Theo bà Lê Thị Khánh Vân – Phó Cục trưởng Cục Thông tin KHCN quốc gia (Bộ KH&CN), để thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo máy trong nước, trước hết cần chọn lựa và chốt lại một số sản phẩm có giá trị cao, điều kiện thị trường thuận lợi để tập trung đầu tư, phát triển. Tiếp đến, thực hiện bảo hộ có điều kiện và có thời hạn đối với sản phẩm trong nước đã nghiên cứu thành công và ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, tăng khả năng tiêu thụ của các sản phẩm trong nước. Trong đó, cần ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm làm căn cứ để kiểm tra, đối sánh chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu, đồng thời tăng cường quảng bá và có các ưu đãi vốn vay cho doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị...
Đại diện Công ty TNHH Cơ điện tử Bách Khoa (BKMech) - một doanh nghiệp thành công trong nghiên cứu, chế tạo máy CNC cho rằng cần ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sử dụng máy móc trong nước sản xuất, tăng thuế nhập khẩu máy móc nước ngoài, đồng thời giảm thuế cho các linh kiện máy đầu vào cũng như có những khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tham gia vào lĩnh vực chế tạo máy.../.
Quỳnh Nga