Lâm Đồng: Cơ cấu ngành công nghiệp phát triển theo chiều sâu
Nằm trong Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn đến năm 2030, trong đó, tái cơ cấu ngành công nghiệp là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, để phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại, chuyển dịch theo hướng ngành công nghiệp xanh và các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, hình thành các cụm ngành, cụm sản xuất trong một ngành công nghiệp, tạo nền tảng và cơ sở phát triển mạnh chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và hệ thống phân phối hàng hóa; phát triển công nghiệp gắn kết với nông nghiệp, du lịch và khai thác tài nguyên khoáng sản theo hướng chọn lọc, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường; phát triển các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vốn đầu tư lớn, nguồn thu nội địa cao, tiết kiệm nguồn nhân lực trong phát triển công nghiệp; bảo đảm các ngành công nghiệp lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh.
Nhà máy bia Sài Gòn tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: CTV |
Nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo; phát triển bền vững công nghiệp khai thác bô xít, chế biến alumin, sản xuất nhôm. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp bình quân giai đoạn 2021- 2030 đạt 7,5-9%/năm. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng xác định 8 mục tiêu trụ cột nhằm tái cơ cấu ngành công nghiệp, cụ thể:
Thứ nhất, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp chế biến nông sản, dược liệu, lâm sản thu hút đầu tư các dự án chế biến tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các trung tâm sau thu hoạch. Đến năm 2030, thu hút khoảng 24 dự án nhà máy chế biến nông sản, dược liệu, lâm sản, thức ăn gia súc.
Công nghiệp cơ khí, chế tạo sẽ hình thành các cơ sở cơ khí có quy mô phù hợp tại các khu, cụm công nghiệp, khu vực tập trung nhiều cơ sở sản xuất để chế tạo, lắp ráp, sửa chữa dây chuyền thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và nhu cầu hộ gia đình. Thu hút các dự án FDI thực hiện chế tạo, lắp ráp thiết bị, linh kiện điện tử, chất bán dẫn, chíp vi mạch,... dần hình thành chuỗi cung ứng vật tư, đầu vào cho các dự án khác.
Công nghiệp ươm tơ, dệt lụa, may mặc sẽ duy trì sản xuất và mở rộng hợp lý quy mô ngành công nghiệp dệt may. Phát triển công nghiệp dệt may, thời trang từ lụa tơ tằm của địa phương. Hình thành cụm ngành công nghiệp dệt, may khép kín từ ươm tơ, dệt lụa, in nhuộm, may mặc đáp ứng thị trường xuất khẩu tại TP. Bảo Lộc, quy mô trên 3 triệu sản phẩm các loại/năm.
Thứ hai, ngành công nghiệp khai khoáng, thu hút đầu tư các dự án chế biến sâu các loại khoáng sản, khai thác khoáng sản sử dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp quy hoạch và tính khả thi cao. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn môi trường. Đẩy mạnh hợp tác khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản. Đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, cung cấp điện, nước,... bảo đảm phục vụ khai thác, chế biến khoáng sản, nguồn nhân lực thực hiện. Tập trung khai thác các loại khoáng sản bô-xit, vàng, thiếc-vonfram, bentonit và diatomit.
Thứ ba, ngành công nghiệp hỗ trợ, tỉnh Lâm Đồng chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh ngành dệt - may, da giày, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp cơ khí phục vụ phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác chế biến khoáng sån. Thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ trong các lĩnh vực sản xuất cơ khí, may mặc, xây dựng tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, Khu công nghiệp Phú Bình.
Thứ tư, ngành công nghiệp môi trường, thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư công nghiệp tái chế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp; các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường với công nghệ, thiết bị hiện đại. Định hướng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, sử dụng thiết bị theo danh mục sản phẩm ngành công nghiệp môi trường trong các hoạt động khắc phục sự cố môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản; phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học; phục vụ xử lý chất thải; sản xuất năng lượng từ chất thải, rác thải,…
Thứ năm, ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển sản phẩm có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao. Tập trung ứng dụng các công nghệ cao thuộc Danh mục ưu tiên như năng lượng, cơ khí chế tạo và tự động hoá, công nghiệp chế biến thực phẩm; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ số tiên tiến trong sản xuất công nghiệp và thương mại. Kêu gọi các dự án sản xuất vật liệu mới, công nghệ nano, chất bán dẫn, chip vi mạch, phần mềm công nghệ tại các khu công nghiệp.
Thứ sáu, cơ cấu lại không gian phát triển công nghiệp của tỉnh, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, liên kết với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải Miền Trung, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước; nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh về vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến nông sản, khai thác, chế biến khoáng sản quy mô lớn; về thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, cung ứng sản phẩm đối với sản phẩm chế biến nông sản, dệt may và công nghiệp hỗ trợ (điện, điện tử, các sản phẩm cơ khí,...).
Thứ bảy, hình thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn của tỉnh liên kết dẫn dắt phát triển ngành, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản, liên kết sản xuất nông nghiệp với nhà máy sơ chế, chế biến, cấp đông và xuất khẩu các nông sản có lợi thế của tỉnh. Hình thành các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ vệ tinh cung cấp các linh kiện, phụ tùng và vật tư công nghiệp.
Thứ tám, đẩy mạnh hoạt động khuyến công địa phương, tăng cường hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Tập trung hỗ trợ đầu tư nhà xưởng và máy móc thiết bị sơ chế, chế biến nông sản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có điều kiện hình thành vùng sản xuất chuyên canh: cà phê, dâu tằm, sầu riêng, trái cây có lợi thế. Thúc đẩy các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp nông thôn; hình thành các đơn vị có năng lực tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp định hướng đầu tư phát triển công nghiệp.