Quảng Ngãi: Công nghiệp hỗ trợ tập trung vào 5 lĩnh vực trọng tâm
Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử hướng đến chuyển đổi xanh Quảng Nam: Liên kết sản xuất giữa công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí |
Nhiều thế mạnh
Theo lãnh UBND tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, địa phương rất quan tâm đến phát triển công nghiệp hỗ trợ. Một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang được sản xuất trên địa bao gồm các sản phẩm cơ khí, linh kiện điện tử, tai nghe di động, ống nghe điện đài, loa, cuộn cảm... các sản phẩm này chủ yếu phục vụ xuất khẩu.
Quảng Ngãi sẽ xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa Ảnh: Trần Mai |
Đơn cử như Công ty TNHH Tân MaHang Việt Nam (100% vốn nước ngoài) ở Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi đã sản xuất và cung ứng ra thị trường các sản phẩm sợi với số lượng lớn phục vụ ngành sản xuất vải và thời trang.
Đại diện Công ty TNHH Tân MaHang Việt Nam cho biết, hiện nhà máy đang sản xuất 3 sản phẩm chính là sợi, vải dệt thoi và hoàn thiện sản phẩm dệt thoi. Trong đó, sản phẩm sợi chiếm ưu thế, mục đích là đảm bảo nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vải dệt thoi của công ty, đồng thời cung ứng sợi cho các nhà máy sản xuất vải trong Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi và các Khu công nghiệp VSIP trong cả nước.
Hay như Công ty TNHH Shenyang Việt Nam - Textile (KCN VSIP Quảng Ngãi) 100% vốn nước ngoài, chuyên sản xuất và cung cấp sợi cotton và sợi polyester cung ứng ra thị trường. Với sản lượng hàng chục nghìn tấn sợi mỗi năm, công ty là một trong những nhân tố quan trọng đưa ngành sản xuất sợi vào bản đồ xuất khẩu của Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi còn có một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm giường xếp, ghế nệm xuất khẩu mà nguyên liệu do các doanh nghiệp hoạt động trong cùng Khu công nghiệp này cung ứng.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Gesin Việt Nam được thành lập vào năm 2000 với 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nệm, giường xếp. Các nguyên liệu sử dụng để sản xuất ra sản phẩm chính hiện nay hầu hết là do doanh nghiệp tại đây cung cấp với số lượng ổn định, chất lượng đảm bảo, giúp sản phẩm chính của DN khi xuất khẩu sang Mỹ được ổn định. Công ty TNHH Gesin Việt Nam cũng là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ, cụ thể là các loại khung thép để xuất sang thị trường Mỹ.
Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò chủ lực
Theo Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 trong Quyết định số 1125/QĐ-UBND ngày 30/7/2021, Quảng Ngãi sẽ xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh Quảng Ngãi, với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao; ưu tiên đầu tư thực hiện các chính sách khuyến khích nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tạo nền tảng để phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; từng bước đáp ứng nhu cầu về nguyên, phụ liệu cho sản xuất tại địa phương và ngoài tỉnh cả về số lượng lẫn chất lượng.
Mục tiêu đến năm 2030, phát triển tỉnh Quảng Ngãi trở thành một trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ (về một số chủng loại sản phẩm) cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo đề án, tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên lựa chọn phát triển 05 lĩnh vực, nhóm sản phẩm CNHT, gồm: Cơ khí – chế tạo; lọc – hóa dầu; dệt may – da giày; chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đáng chú ý, về nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi sẽ lựa chọn mô hình phát triển xây dựng khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết sản xuất phục vụ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng cơ chế liên kết phát triển giữa tỉnh Quảng Ngãi và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, Quảng Ngãi sẽ lựa chọn phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo mô hình chiến lược hỗn hợp, có sự kết hợp giữa chiến lược kéo và chiến lược đẩy, trong đó thiên về chiến lược kéo.
Cụ thể, chiến lược kéo sử dụng các chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp lớn liên kết, phối hợp với các nhà cung cấp trong nước, tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh và có lợi cho các nhà cung cấp. Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh có thể được lựa chọn để hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam, Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi, Công ty TNHH hệ thống điện GE Việt Nam (Dung Quất)…
Đối với chiến lược đẩy, có các chính sách khuyến khích, nâng đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, như các ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực, thông tin... cho phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn lại và các loại vật tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (phục vụ cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên.
Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ về vốn, đào tạo phát triển nguồn nhân lực… nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào hoạt động này. Cùng với đó, tăng cường liên kết hình thành chuỗi giá trị sản xuất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.