Kích điện săn giun đất: Tái diễn nhiều năm vì sao không xử lý được?
Gần đây tình trạng dùng máy kích điện săn giun đất, thu gom bán cho thương lái Trung Quốc kiếm lời tràn lan tại nhiều địa phương như Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa, Hòa Bình...
Hành vi này đã phá hoại đất đai, môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến vi sinh vật, cây trồng, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.
Đáng nói là việc kích điện săn bắt giun đất đã diễn ra nhiều năm nay, tại nhiều địa phương và được tuyên truyền lên án mạnh mẽ nhưng việc xử lý những hành vi dùng điện kích giun vẫn còn hạn chế, cơ quan chức năng còn lúng túng khi áp dụng chế tài.
Nạn kích điện săn giun đất khó áp dụng chế tài xử lý - Ảnh: cand.com.vn |
Khó định lượng mức độ thiệt hại
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Hồng Hải, Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế Danh Tuệ cho biết, pháp luật hiện nay có quy định về hành vi hủy hoại đất, có chế tài nhưng để áp dụng thực hiện thì rất khó.
Trong đó, việc dùng xung điện kích xuống đất để bắt giun, làm ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đất, làm giảm chất lượng đất, mất đi giá trị ban đầu của đất, suy giảm chất lượng đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất… Đây là hành vi được quy vào hủy hoại đất theo quy định tại khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013.
Mặt khác, Khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng quy định việc khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Mà khai thác giun đất bằng hình thức kích điện chính là làm ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất, sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, phá vỡ đa dạng sinh học và hủy hoại môi trường.
“Tức là, việc kích điện để săn bắt giun đất là hành vi hủy hoại đất, hủy hoại môi trường bị nghiêm cấm trong pháp luật đất đai và môi trường đã khá rõ”, Luật sư Phạm Hồng Hải cho biết.
Còn về chế tài xử lý, theo Luật sư này, Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP có quy định đối với hành vi hủy hoại đất, tùy thuộc vào mức độ biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất, và diện tích hủy hoại thì người thực hiện hành vi hủy hoại đất, có thể bị phạt tiền từ 2 đến 150 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
“Việc quy định như trên rất khó để áp dụng vào thực tế. Bởi xác định độ biến dạng của đất, mức độ suy giảm đất cần phải có phương pháp đánh giá chính xác, khoa học. Trong khi đó, đối tượng bị hại là người nông dân, nên việc đưa mẫu đất đi xác định mức độ suy giảm, xác định vùng bị ảnh hưởng một cách khoa học, cụ thể là rất khó”, Luật sư Phạm Hồng Hải nói.
Theo Luật sư Phạm Hồng Hải, với những quy định như hiện nay việc đầu tiên hiệu quả nhất là chính quyền địa phương, người nông dân phải rốt ráo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, cảnh cáo, tịch thu tang vật, xử phạt hành chính… Bên cạnh đó cần tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu được mức độ nguy hại đối với hành vi kích điện tận diệt giun đất. Song song với đó cần phải có quy định áp dụng chế tài cụ thể không nên định lượng tương đối, chung chung để các cấp chính quyền địa phương, từ cấp xã, phường dễ dàng áp dụng.
Địa phương vào cuộc: chưa "ăn thua"!
Trước đó, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết: Cục đã có công văn gửi một số địa phương yêu cầu rà soát, báo cáo tình trạng kích giun đất.
Trong đó, Cục đánh đánh hoạt động sử dụng kích điện đánh bắt giun đất và tình trạng sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất là hành động tận diệt giun và các sinh vật có ích khác trong đất, làm giảm chất lượng đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng. Đồng thời, đây cũng là hoạt động nguy hiểm, dễ gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của con người và động vật.
Cục đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động trên, thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện để có biện pháp xử lý vi phạm.
Tiếp đó, hàng loạt địa phương cũng đã ra văn bản chỉ đạo, rà soát, xử lý tình trạng trên nhưng thực tế vấn nạn kích điện tận diệt giun đất bán cho thương lái vẫn hoành hoành tại các địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay nạn “giun tặc” đang tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương, phá hoại đất đai, cây trồng, môi trường, khiến nông dân mất ngủ.
TS Đinh Văn Thành, chuyên gia Nông nghiệp phân tích, giun đất, số lượng giun đất/ đơn vị diện tích là chỉ tiêu rất quan trọng để đánh giá sức khỏe của đất, càng nhiều giun trong đất thì đất càng khỏe. Khi giun đất bị kích điện gây ra hệ lụy rất to lớn. Đầu tiên là làm suy thoái đất, giun bị bắt nhiều thì các vi sinh vật trong đất cũng bị tiêu diệt theo. Điều đó làm cho đất ngày càng chai cứng, suy thoái đất. Bên cạnh đó, việc kích điện xuống đất không chỉ có vi sinh vật trong đất bị ảnh hưởng mà ảnh hưởng luôn tới cây trồng, nguy hiểm cả ở các vùng cây ăn quả lâu năm. Hủy hoại đất, hủy hoại môi trường là tác hại lớn nhất từ việc săn, bắt tận diệt giun đất. |