Hà Nội vẫn “khát” bãi đỗ xe ô tô: Chuyên gia nói gì?
Khách hàng gian lận hồ sơ mua nhà ở xã hội 19T1 Kiến Hưng? Hà Nội: Khi nào mới hết những vụ cháy nhà, chết người thảm khốc? |
Theo ghi nhận, thành phố Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu phương tiện các loại, gần 1,5 triệu xe ô tô, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm. Trong khi đó, quy hoạch dành cho giao thông tĩnh phải đạt 3 - 4% nhưng Hà Nội hiện chưa đạt 1%. Các bãi đỗ xe đang thiếu trầm trọng, dẫn đến tình trạng đỗ bừa bãi ở các bãi đất trống, dưới lòng đường và trên cả vỉa hè.
Dọc gầm cầu trên địa Hà Nội nhiều nơi cũng biến thành bãi đỗ xe |
Xây dựng bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe trên cao
Trao đổi với Báo Công Thương, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, từ những 1996-1997 Hà Nội đã có các phương án được đề ra nhưng không thu hút được doanh nghiệp đầu tư tham gia xây dựn; đến năm 2000, Hà Nội đã có quy hoạch bến bãi đỗ xe nhưng vẫn không thực hiện được theo kế hoạch đã định. Vì vậy mới có bất cập về bến bãi đỗ xe như hiện nay.
“Chúng ta đã khai thác nhiều phương án linh hoạt, trong đó có khuyến khích các bến bãi đỗ xe ngầm. Ví dụ như: Vườn hoa Hàng Đậu; vườn hoa Nhà Hát Lớn; vườn hoa Lý Thái Tổ… Nhưng không thể hài hòa về lợi ích và thu hút được các doanh nghiệp nên cuối cùng không thực hiện được ", TS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.
Hiện diện tích đất của thành phố dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có còn lại 90% nhu cầu đang đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng như lòng đường, vỉa hè, bãi xe trong bệnh viện, trường học, công viên; trung tâm thương mại; khu chung cư, trụ sở cơ quan, đơn vị và tại nhà dân...
"Nhu cầu phương tiện giao thông, nhất là phương tiện cá nhân phát triển rất mạnh lên tới 12%, trong khi dự báo chỉ có 8 đến 10%, quy hoạch giao thông thì chậm. Thông thường, bãi đỗ xe phải đạt được 3% diện tích tự nhiên, trong đó có thể làm nhiều tầng. Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội mới chỉ đạt được 0,3% diện tích tự nhiên tương đương với 10% nhu cầu đỗ xe. Diện tích bãi đỗ xe không tăng, phương tiện giao thông tăng quá mức dự báo cho nên nhu cầu ngày càng trở nên cấp bách”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Theo ông Nghiêm, việc xây dựng các bãi đỗ xe ngầm hay bãi đỗ xe trên cao là xu hướng tất yếu của các đô thị lớn trên thế giới và phù hợp với điều kiện hiện nay của thành phố.
Tuy nhiên, để các dự án bãi đỗ triển khai hiệu quả, thì việc đảm bảo nguồn lực là một trong những yếu tố quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, nguồn lực được huy động từ việc xã hội hóa để đầu tư là rất cần thiết.
Cần một cơ chế đột phá
TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, thời gian tới sẽ có nhiều thuận lợi để có thể giải quyết được vấn đề thiếu bãi đỗ xe.
Thứ nhất, trong Luật đất đai mới quy định về không gian ngầm cũng là một phương thức khai thác sử dụng đất, được cấp quyền sử dụng đất. Khi được cấp quyền sử dụng đất, đơn vị doanh nghiệp họ có quyền thế chấp, thừa kế, sang tên. Do vậy, đây được cho là cú hích mới.
Thứ hai là hiện nay chúng ta đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhưng mà khoa học kỹ thuật ứng dụng cho bến bãi đỗ xe nhiều tầng thì còn ít. Hà Nội cũng cần tăng cường nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật này cho doanh nghiệp.
Đề xuất thêm giải pháp, TS Nghiêm cho rằng: "Cần có những định hướng mới, đột phá mới. Sau quy hoạch chung được Quốc hội góp ý, sắp tới được Thủ tướng duyệt, thì cần phải điều chỉnh, lập lại quy hoạch bến bãi đỗ xe. Mặc dù đã có quy hoạch từ trước nhưng chúng ta vẫn phải làm lại quy hoạch này để cho phù hợp với tình hình mới.
Bên cạnh đó, cần phải có ưu đãi về chính sách nguồn lực để thực hiện. Điều này trong Luật Thủ đô cũng đã có đề cập đến, nhưng Hội đồng nhân dân Hà Nội cần phải cụ thể hóa những ưu đãi là những gì: thuế, cho vay, không thu tiền sử dụng đất, hay đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính để công nhận quyền sử dụng đất của các bến bãi đỗ xe".
Việc xây dựng các bãi đỗ xe ngầm hay bãi đỗ xe trên cao là xu hướng tất yếu của các đô thị lớn trên thế giới và phù hợp với điều kiện hiện nay của thành phố. Tuy nhiên, để các dự án bãi đỗ triển khai hiệu quả, thì việc đảm bảo nguồn lực là một trong những yếu tố quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, việc nguồn lực được huy động từ việc xã hội hóa để đầu tư là rất cần thiết.
Để xã hội hóa thành công, Hà Nội cần phải có cơ chế chính sách ưu tiên cho các nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo hài hòa giữa lợi ích các doanh nghiệp với Nhà nước và người dân...
Trước thực trạng này, Sở Giao thông Vận tải đã xin ý kiến, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố, sau khi thông qua hai Quy hoạch Thủ đô sẽ cho phép ngành giao thông vận tải được phép rà soát điều chỉnh quy hoạch phân khu, quan tâm đến các quy hoạch thành phần như Quy hoạch phân khu giao thông ngầm, quy hoạch bãi đỗ xe giao thông tĩnh.
Từ đó, để chuẩn hóa được quy định đầu tư cơ chế chính sách làm sao để thu hút nhà đầu tư. Thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát tất cả các dự án nhà đầu tư liên quan đến bãi đỗ xe. Rà soát xác định rõ cái nào làm, cái nào không làm.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải để có những giải pháp tháo gỡ cho vấn đề, đưa ra danh mục đầu tư, kêu gọi xã hội hóa đầu tư một số vườn hoa cây xanh... Trong thời gian tới, căn cứ trên cơ sở chính sách liên quan sẽ có hướng xử lý, có cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài.